Xe Limousine trá hình (Bài 2): Xử lý, lẽ nào bó tay?

08/07/2020
Những vi phạm các quy định về hợp đồng vận chuyển khách, dừng đỗ đón trả khách, an toàn phương tiện và người lái là rất rõ ràng, song lại khó phát hiện và xử lý. Dư luận đang đặt ra câu hỏi, lẽ nào ngành chức năng lại bó tay trước vi phạm?


Loay hoay quản lý xe khách trá hình
“Từ khi lên đến lúc xuống, lái xe không đưa vé, chỉ thu tiền trực tiếp 100.000 đồng. Xe đón trả khách không ở một điểm cố định, mà đi lòng vòng ở các điểm, ví dụ như: Cổ Linh hay May 10 ở Quốc Lộ 5, hay là những tuyến phố sâu hơn như ở trong Lĩnh Nam”  -
 Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Tuấn Minh, một hành khách trên xe limousine biển số 17B-01933 của nhà xe Hà Thì lộ trình Thái Bình lên Hà Nội.

Ngoài việc dừng đỗ đón trả khách, chuyển hàng vô tội vạ, tài xế còn thường xuyên nhận tin báo qua điện thoại có chốt CSGT phía trước để tìm lộ trình khác, hòng tránh việc bị kiểm tra, xử lý vi phạm.

Thực tế một cuộc mật phục cùng lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội để kiểm tra xe limousine 17B-01933, phóng viên nhận thấy rất nhiều khó khăn. Tại nút giao vành đai 3 – Lĩnh Nam (Hà Nội), ngay trước thời điểm trả khách, dường như được báo trước, nên tài xế đã thay đổi điểm dừng và yêu cầu khách xuống tại ngã tư đèn đỏ, nơi có lượng xe lưu thông lớn và khuất tầm nhìn.

Khi ra khỏi ngã tư, dù nhận hiệu lệnh dừng xe từ thanh tra giao thông, tài xế vẫn táo tợn nhấn ga bỏ chạy lên đường vành đai 3 trên cao.

Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP.Hà Nội đánh giá, việc bất chấp hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chức năng thể hiện sự coi thường pháp luật của tài xế nhà xe Hà Thì, coi thường sự an toàn và tính mạng của các hành khách trên xe. Theo Nghị định 15, hành vi  này bị xử phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Tình huống lực lượng chức năng “để lọt” chiếc xe cũng cho thấy những hạn chế thực tiễn xử lý xe Limousine.

“Với xe Limousine, họ thành lập trụ sở bến xe tư nhân của họ và hoạt động như một bến xe khách tuyến cố định. Việc này không tuân thủ quy định về quản lý giao thông vận tải.Tôi nghĩ, các cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để xác định những loại hình vận tải có những vi phạm để kịp thời chấn chỉnh”, Luật sư Cường nói

Trao đổi với phóng viên, một thanh tra viên trong tổ công tác chia sẻ, nếu không ghi lại được hình ảnh chiếc xe dừng đón trả khách sai quy định, rất khó để xử lý. Bởi lẽ, chỉ mất một thời gian ngắn, các nhà xe có thể hợp thức hóa chuyến đi bằng một danh sách hành khách và hợp đồng tự lập.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho rằng, hiện nay, thủ tục để cá nhân, tổ chức được cấp phù hiệu xe Hợp đồng khá đơn giản, trong khi công tác quản lý còn rất lúng túng: “Theo quy định, xe hợp đồng dưới 10 chỗ không bị hạn chế đi vào phố nên các xe này vẫn dừng, đỗ đón, trả khách tại khu vực không cấm dừng, đỗ. Kiểm tra hợp đồng, danh sách hành khách theo xe thì các nhà xe đã đối phó ghi chép đầy đủ theo quy định nên lực lượng chức năng không thể xử lý vi phạm của loại hình này theo đúng bản chất của sự việc”

Thực tế công tác nhận diện, xử phạt các xe limousine trá hình gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Báo giao thông

Theo ông Cường, ngay cả việc nhận diện những xe vi phạm, tái phạm nhiều lần cũng là vấn đề hóc búa, các xe thường xuất phát lúc ở xã, phường này, khi ở xã, phường khác chứ không cố định chính xác một điểm. Trong một số trường hợp, hành khách tự ý thỏa hiệp với nhà xe để hợp thức hóa chuyến đi.

Dù đã tăng cường phối hợp với các lực lượng để tuần tra, xử lý vi phạm hơn 1.000 trường hợp xe hợp đồng, nhưng kết quả từ đầu năm 2020 đến nay của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội vẫn được xem là “bề nổi” của vấn đề.

Ông Nguyễn Công Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam phân tích: Xe limousine là loại hoán cải từ xe 16 chỗ xuống còn xe 9 chỗ để phù hợp với tiêu chí trong Quyết định 24 thí điểm loại hình hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. Việc “lách” giữa khe hở của luật pháp, hoạt động như xe khách tuyến cố định nhưng không chịu sự kiểm soát khắt khe của loại hình này đã khiến Limousine trở thành một “hiện tượng” phá vỡ thị trường vận tải khách, gây mất công bằng với các doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, góp phần gây mất trật tự, ATGT.

Về giải pháp để quản lý xe Limousine, ông Nguyễn Công Hùng rất kỳ vọng vào các quy định mới trong năm nay từ cơ quan chức năng sẽ bịt được những “lỗ hổng” chính sách. Điển hình như Nghị định 10, Thông tư 12 của Bộ GTVT đã quy định rõ các loại hình vận tải, khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải, biển hiệu, phù hiệu, phương thức hoạt động; hay Thông tư 58 thay thế Thông tư 15 của Bộ Công an có hiệu lực từ 1/8/2020 quy định tất cả xe kinh doanh phải gắn biển số màu vàng, nền chữ màu đen.

“Nghị định, Thông tư đã ban hành. Còn lại là kiểm soát thế nào. Chúng tôi cũng tham mưu Bộ GTVT, Bộ Công an, Thanh tra GT sớm đồng loạt vào cuộc, yêu cầu các doanh nghiệp triển khai các quy định về phù hiệu, biển hiệu. Đặc biệt, anh không được xin cấp phép ở một địa phương rồi sang địa bàn khác hoạt động. Nó gây xáo trộn, phá vỡ quy hoạch về hạ tầng giao thông”, ông Hùng nói.

Rõ ràng, công tác quản lý đối với xe hợp đồng nói chung, xe limousine nói riêng đã gỡ được “nút thắt” lớn nhất về việc nhận diện đúng bản chất của loại hình này thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định để theo kịp thực tiễn. Hy vọng, thời gian tới, với đầy đủ các công cụ pháp lý, chế tài đủ tính răn đe, các lực lượng chức năng sẽ vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa, để hoạt động xe hợp đồng đi vào nề nếp, tránh xảy ra những hành vi coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người tham gia giao thông như việc tài xế nhà xe Hà Thì “thông chốt” lực lượng kiểm tra./.