Tết về, thêm mùa bội thu cho Hoàng Hà

10/02/2017

 Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, DN vận tải lại bước vào mùa kinh doanh nhộn nhịp do nhu cầu vận chuyển luôn tăng đột biến. Không nằm ngoài xu hướng đó, Hoàng Hà – đơn vị vận tải đứng đầu tỉnh Thái Bình lại có thêm một mùa bội thu.

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, HHG là doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn nhất, quản lý các hoạt động vận tải xe khách đường dài, xe buýt và taxi nội tỉnh. Không chỉ theo đuổi vận tải khách tuyến cố định, từ năm 2005, HHG chính thức mở thêm tuyến buýt 01 (TP Thái Bình đi Khu công nghiệp Tiền Hải). Xét về quy mô tại miền Bắc, số lượng đầu xe của HHG chỉ đứng sau Tổng công ty vận tải Hà Nội (là đơn vị trực thuộc Nhà nước quản lý hệ thống xe bus Hà Nội, xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội và CTCP Vận tải Neway).

Hiện nay, Hoàng Hà vận chuyển hơn 352 chuyến đi các tuyến ngoại tỉnh mỗi ngày gồm 120 lượt đi cho tuyến Thái Bình – Quảng Ninh, 232 lượt cho tuyến Thái Bình – Hà Nội và 2 chuyến đi vào TPHCM.

Song đó là câu chuyện của ngày thường, còn khi bước vào mùa Tết, chỉ trong 1 tháng (thời gian phục vụ Tết của HHG là 30 ngày từ 18/12/2016 đến ngày 19/01/2017 âm lịch), doanh thu HHG chiếm gần 11% tổng doanh thu mảng vận tải của cả năm và tăng 25% so với các tháng khác trong năm.

Cụ thể, năm 2015, tổng lượng khách mà HHG vận chuyển trong 1 tháng Tết là 323.190 khách (chưa bao gồm vận tải taxi), tương ứng mang về doanh thu 13,57 tỷ đồng, chiếm 11% doanh thu vận chuyển cả năm và gần 7% tổng doanh thu cả năm 2015.

Doanh thu mảng vận tải của Hoàng Hà trong năm 2015 (Đvt: Triệu đồng)

 

Mùa tết 2016-2017, HHG ước tính trong tháng Tết Nguyên đán này sẽ vận chuyển 367.778 khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 9% tổng lượt khách cả năm. Trong đó, tuyến Thái Bình - Hà Nội và Thái Bình - Quảng Ninh cùng đạt trên 60.000 khách, so với cả năm lần lượt chiếm tỷ trọng 7,3% và 10,3%.

Doanh thu trong tháng Tết ước tính đạt gần 14 tỷ đồng, tăng gần 25% so với các tháng khác trong năm và chiếm 11.3% tổng doanh thu vận tải cả năm 2016. Trong cơ cấu doanh thu tháng Tết thì các tuyến Thái Bình – Hà Nội, Thái Bình – Quảng Ninh và các tuyến xe buýt có tỷ trọng lớn nhất.

Doanh thu mảng vận tải của Hoàng Hà năm 2016 (Đvt: Triệu đồng)

Qua những con số trên đủ cho thấy nhu cầu đi lại mùa Tết đã đóng góp đáng kể vào tỷ trọng doanh thu hàng năm của Hoàng Hà. Đây cũng là yếu tố đặc trưng của ngành vận tải nói chung và Hoàng Hà nói riêng vào trong những dịp lễ, đặc biệt ngày Tết đến xuân về.

Một điểm rất đáng lưu ý là mặc dù trong đợt cao điểm, Hoàng Hà sẽ phải tăng cường 100% quân số và phương tiện nhưng Công ty cho biết vẫn ưu tiên hàng đầu là nâng cao chất lượng phục vụ hành khách với thái độ chu đáo, ân cần và lịch sự. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Pháp luật, nội quy quy định của Công ty; thi đua giữ gìn xe tốt, lái xe an toàn; 100% cán bộ công nhân viên không thả đèn trời, không đốt pháo trong dịp Tết.

Ngoài ra trong dịp Tết Nguyên đán, Công ty cam kết không tăng giá vé trong những ngày cao điểm, đảm bảo chuyến nốt đã đăng ký, không chở quá số người quy định. Theo đó, tùy theo mức độ hoàn thành của các phòng ban, Hoàng Hà sẽ áp dụng các mức khen thưởng cho đợt khách vận năm nay khi hoàn thành công việc.

Hoàng Hà có nhiều lợi thế cạnh tranh trong ngành

Gần đây, một hãng hàng không trong nước đã tung ra chương trình khuyến mãi, giảm giá vé đến 40% trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng trong ngắn hạn đến các hãng vận tải khác bởi đơn giản là vì nhu cầu vận chuyển hành khách dịp Tết Nguyên đán luôn cao hơn nhiều so với năng lực vận tải, kể cả đường sắt, đường bộ hay hàng không. Thêm vào đó, vận tải đường bộ là loại hình chiếm ưu thế trong vận tải hành khách, chiếm gần 95% tổng lưu lượng vận chuyển với tốc độ bình quân trong vòng 10 năm trở lại đây ở mức 11%/năm.

Đó là chưa kể, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải đường bộ được cải thiện do giá cước vận tải ổn định trong khi giá nhiên liệu đầu vào giảm. Do thị phần vận tải đường dài được nắm giữ chỉ bởi một số ít hãng xe khách lớn, giá cước vận tải thường được giữ khá ổn định và gần như không điều chỉnh giảm khi giá dầu thô giảm mạnh từ năm 2015 đến nay. Do chi phí nhiên liệu, chi phí nhân công và khấu hao là 3 khoản mục chi phí chiếm đến 90% cơ cấu giá thành của HHG trong đó chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 50% giá thành. Nhờ vào sự giảm giá mạnh của dầu thô, biên lợi nhuận gộp của HHG đã được cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, HHG tương đối có lợi thế bởi chỉ có 2 hãng xe khách Hoàng Hà và Quảng Ninh sẽ được di dời sang bến xe Gia Lâm, cách bến xe Lương Yên 5.7 km trong khi phần lớn các hãng khác sẽ phải chuyển về bến xe Yên Nghĩa tại Hà Đông, cách bến Lương Yên gần 16km. Về cơ bản, tuyến đường từ bến xe Lương Yên và từ bến Gia Lâm về Thái Bình là giống nhau, do vậy việc di dời này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới HHG và thậm chí còn thuận lợi hơn khi các hãng khác bị di dời về bến xe Yên Nghĩa cách bến Lương Yên khá xa.

Từ năm 2017 trở đi, HHG được độc quyền khai thác tuyến xe bus nội tỉnh Thái Bình. Hiện tại, doanh thu từ hệ thống xe bus đang mang lại cho HHG khoảng 30 tỷ đồng/năm, đóng góp trên 20% doanh thu mảng vận tải và trên 10% doanh thu của Công ty. Và sau khi quyết định của UBND tỉnh chính thức có hiệu lực, doanh thu từ hệ thống xe bus của HHG kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2017.

Ngoài ra động lực dòng tiền cho 2017 còn đến từ bất động sản là dự án BT – Kỳ Đồng và Dự án đất nền Trường Chuyên Thái Bình, dự kiến 2 dự án này sẽ giúp HHG thu hơn 50 tỷ lợi nhuận sau thuế trong 2017.

theo ndh.vn