Nhiều vướng mắc, bất cập trong việc lắp Camera trên xe kinh doanh vận tải

21/09/2020
Những vướng mắc, bất cập và kiến nghị khi triển khai thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT là nội dung trọng yếu của Hội thảo trực tuyến do Hiệp hội Vận tải ô tô VN tổ chức ngày 18/9 tại 2 điểm cầu là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Một mặt, các tham luận tại Hội thảo đồng tình với chủ trương lắp camera để ghi hình lái xe và hành khách trên xe theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ/CP và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT; mặt khác các tham luận đều chỉ rõ rằng, Nghị định 10 và Thông tư 12 có những quy định không thống nhất. Trong khi Nghị định 10 chỉ quy định xe ô tô kinh doanh vận tải khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên( kể cả người lái xe) phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu giữ hình ảnh trên xe( bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống xe) trong quá trình tham gia lưu thông thì Thông tư 12 lại quy định quan sát được toàn bộ hình ảnh người lái xe đang làm việc, khoang hành khách và các cửa lên xuống xe.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xe khách Bắc Giang và ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng đặt vấn đề, cơ sở pháp lý nào cho việc lắp camera trong khoang hành khách và việc lắp camera như thế có ảnh hưởng gì tới quyền riêng tư của hành khách và lái xe hay không và cần xem xét lại một số quy định của Nghị định 10. Các tham luận thống nhất cao ở một điểm là cần có sự hướng dẫn giữa các cơ quan quản lý nhà nước để việc thực hiện lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải đạt hiệu quả. Nghị định 10 và Thông tư 12 không có nội dung nói về việc ban hành quy chuẩn của loại camera lắp trên xe để đáp ứng yêu cầu quản lý, trong khi đó nhiều đơn vị đã đến các doanh nghiệp vận tải tiếp cận, “ chào mời”. Ai cũng biết rằng hiện nay các doanh nghiệp vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp mấp mé ở bờ vực phá sản nên việc lắp camera rất tốn kém.

Theo tính toán, để lắp camera, mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra từ 1 – 2 tỷ đồng; trên phạm vi cả nước, con số này lên tới gần 1 nghìn tỷ đồng ( bao gồm cả khấu hao thiệt bị và chi phí truyền dữ liệu). Do đó, cũng theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xe khách Bắc Giang, cần làm rõ tính hiệu quả của việc lắp camera. Ông Dũng cho rằng, nếu lăp camera để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước thì nhà nước phải đầu tư; nếu phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới đầu tư. Hơn nữa, lắp camera như vậy có đảm bảo cho việc phòng chống cháy nổ trên xe hay không?  Trong khi đó, ông Tạ Long Hỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, Tổng GĐ Công ty CP Ánh Dương VN (VINASUN) cho rằng, sự chuẩn bị của các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa đầy đủ, kịp thời để tiếp nhận, xử lý thông tin, dữ liệu các camera truyền về. Việc lắp camera  cần tham khảo ý kiến rộng rãi của hành khách và cả xã hội xem hành khách có lợi gì, doanh nghiệp có lợi gì và nhà nước có lợi gì. Trong khi đó, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và Du lịch TP. Hồ Chí Minh lại cho rằng, việc lắp đặt camera chỉ tiện cho các cơ quan quản lý nhà nước chứ không tiện cho doanh nghiệp. Hơn thế nữa, ông  Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, GĐ HTX Vận tải ô tô số 9 TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc lắp camera gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiện nay, trong hoạt động kinh doanh vận tải, các doanh nghiệp đang thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị giám sát hành trình đã ghi nhận các vi phạm về hành trình, tốc độ của phương tiện, thời gian làm việc của lái xe. Các dữ liệu vi pham đã được truyền về máy chủ của các đơn vị dịch vụ, sau đó dữ liệu được truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ VN. Các dữ liệu này đã được tổng hợp, thông báo đến các cơ quan quản lý để chấn chỉnh, nhắc nhở, phcụ vụ công tác thanh tra, kiểm tra; một số nới đã sử dụng là cơ sở xử lý vi phạm hành chính. Tại Hội thảo, nhiều  ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện và cụ thể hoá các quy định của pháp luật, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương để sử dụng hiệu quả hơn nữa các cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Và chỉ khi nào có tổng kết đánh giá đã sử dụng hết tính năng, tác dụng của thiết bị giám sát hành trình mới lắp đặt thêm các thiết bị khác trên xe.

Tổng kết Hội thảo, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN nhận định, các doanh nghiệp vận tải, các đơn vị thành viên của Hiệp hội Vận tải ô tô VN đồng tình cao với chủ trương lắp đặt camera để ghi hình lái xe và hành khách trên xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe đầu kéo sơmirơmóc theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT. Tuy nhiên, vì hiện tại chưa đủ điều kiện để lắp camera trên diện rộng nên cần làm thí điểm, rút kinh nghiệm, tổng kết trước khi triển khai ra diện rộng. Các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu các quy định của pháp luật để triển khai hoàn thiện hệ thống hạ tầng cho việc tiếp nhận, xử lý thông tin, dữ liệu các camera truyền về. Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đăng kiểm kiểm tra, xem xét việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cho các xe khi lắp đặt camera. Đồng thời, đề nghị lùi thời hạn thực hiện việc lắp camera ít nhất 2 năm nữa.