Hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong điều hành giao thông vận tải đường bộ

06/07/2020
ứng dụng CNTT trong điều hành giao thông vận tải đường bộ
Ứng dụng CNTT trong điều hành giao thông vận tải đường bộ. Ảnh: Báo Giao thông

Theo đó, mục tiêu của đề án là đầu tư hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành ngành giao thông vận tải phù hợp với xu thế chuyển đổi số của Chính phủ và xây dựng nền kinh tế số trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; tập trung vào lĩnh vực đường bộ nhằm mục tiêu bảo đảm thông suốt, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường cho tất cả các phương thức vận tải.

Cụ thể, đến năm 2025 hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu ngành giao thông vận tải, trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông vận tải đầy đủ, kịp thời, chính xác cho người ra quyết định.

100% hồ sơ, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Giao thông vận tải được quản lý, theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử.

Tất cả các dịch vụ công phổ biến liên quan đến nhiều người dân và doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ Giao thông vận tải được nộp trực tuyến mức độ 3, 4.

Cùng với đó, 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc trung ương và địa phương có nhu cầu.

Toàn bộ số liệu phục vụ quản lý an toàn giao thông được xử lý, tích hợp hoàn toàn tự động từ các hệ thống thông tin quản lý thuộc các chuyên ngành đường bộ, Cảnh sát giao thông và y tế dùng để đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ...

Tự động hóa hoàn toàn các công tác liên quan đến quản lý đăng ký, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải nhờ các hệ thống thiết bị và phần mềm ứng dụng CNTT.

Hoàn chỉnh quy trình quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc đào tạo, sát hạch và cấp phép cho người điều khiển phương tiện, phòng tránh tiêu cực, nhũng nhiễu gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Đồng thời, đến năm 2025, tất cả các kế hoạch quản lý bảo trì, duy tu các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông được kiểm tra số liệu, xử lý trên hệ thống ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân; Hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) được triển khai đồng bộ tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc.

ứng dụng CNTT trong điều hành giao thông vận tải đường bộ
Đặt mục tiêu 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS).

Để thực hiện được mục tiêu, Đề án đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải; xây dựng, hoàn thiện các hệ thống kỹ thuật dùng làm nền tảng để phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành ngành giao thông vận tải; ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác chỉ đạo, điều hành của ngành giao thông vận tải; tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

Ngoài ra, các giải pháp được định hướng triển khai khác gồm: Hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin giao thông đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không; hợp tác, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên trách chất lượng cao và triển khai nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong ngành giao thông vận tải; giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới, hiện đại hóa ngành giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Đề án trong trường hợp cần thiết.