Hành khách nhớ máy bay và cơ hội cho hàng không gỡ vốn mùa dịch

21/09/2020
Một số hãng hàng không nghĩ ra những cách kiếm tiền hết sức độc đáo, bù đắp phần nào vào khoản thâm hụt ngân sách do dịch bệnh.
Nhà hàng của Thai Airways ở Thủ đô Bangkok
Nhà hàng của Thai Airways ở Thủ đô Bangkok

Thai Airways, hãng hàng không quốc gia Thái Lan, mới đây quyết định chuyển đổi khu nhà ăn cho nhân viên ở thủ đô Bangkok thành nhà hàng phục vụ thực đơn trên các chuyến bay. Vượt qua các tính toán lạc quan nhất, ngay trong ngày khai trương hôm 3/9, tất cả các bàn ăn đều được khách đặt kín chỗ.

Chia sẻ với Reuters, ông Kanta Akanitprachai, một thực khách cho biết: “Tôi thích những suất ăn của Thai Airways nhưng chỉ có thể thưởng thức chúng trên các chuyến bay. Hôm nay chúng tôi tới đây để nhớ lại cảm giác đó”.

Ngoài các món đồ ăn nhẹ đặc trưng, nhà hàng của Thai Airways còn tạo cho thực khách cảm giác giống hệt như đang ngồi trong khoang hành khách. Để làm điều này, các kiến trúc sư thay toàn bộ ghế ăn cũ bằng loại ghế chuyên dùng trên máy bay, trang trí nhà bếp với những vật dụng thường thấy trong cabin hay vẽ các khuôn cửa hình bầu dục lên lớp kính trong suốt. Thậm chí, cả đầu bếp và phục vụ cũng mặc đồng phục như thành viên phi hành đoàn.

Bà Varangkana Luerojvong, Giám đốc điều hành dịch vụ ăn uống của Thai Airways cho biết: “Việc mở nhà hàng là một cách để chúng tôi bù đắp lại phần doanh thu bị mất do nhu cầu đi lại giảm bởi Covid-19”.

Theo bà Luerojvong, mỗi ngày nhà hàng có thể phục vụ 2.000 ‘suất ăn chất lượng cao’ và mở cửa liên tục từ thứ Hai đến thứ Sáu tại cơ sở chính ở Bangkok. Căn cứ vào thành công hiện tại, ban lãnh đạo Thai Airways dự tính sẽ mở thêm một số cửa hàng khác tại khu vực Silom hay Larnluang.

Trong bối cảnh hầu hết các chuyến bay đi nước ngoài bị tạm dừng do dịch Covid-19, nhiều hãng hàng không đang phải xoay xở mọi cách kiếm tiền để vượt qua khủng hoảng.

Qantas, hãng hàng không quốc gia Australia, mới đây quyết định bán bánh quy socola, trà túi lọc hay hạnh nhân hun khói, vốn phục vụ trên khoang hạng nhất, cho những hành khách đang ở nhà để ‘gỡ gạc’ chi phí.

Còn Air North, hãng hàng không 43 năm tuổi của Canada, ra mắt dịch vụ giao tận nhà những món đồ ăn trên máy bay như bánh thịt bò xay và các loại bánh phô mai.

Hành khách trải nghiệm "chuyến bay ảo" tại Đài Loan
Hành khách trải nghiệm "chuyến bay ảo" tại Đài Loan

Không bán đồ ăn, nhưng đầu tháng 7 vừa qua, sân bay Songshan tại Đài Loan nghĩ ra dịch vụ ‘Chuyến bay ảo’ để giúp các tín đồ du lịch giải ‘cơn thèm bay’. Trong ngày ra mắt, hơn 10 nghìn người đã đăng ký, nhưng chỉ 60 người may mắn được chọn.

Những người tham gia trải nghiệm sẽ có hành trình ‘như thật’ khi phải kiểm tra hộ chiếu, an ninh ở sân bay, thậm chí lấy vé và lên máy bay. Tuy nhiên, họ chỉ có nửa giờ để chụp ảnh ‘check in’ sống ảo, còn máy bay thì không hề cất cánh.

Trong mùa dịch, lượng khách đi lại giảm nhưng nhu cầu về vật tư y tế tăng cao, và người dân sử dụng dịch vụ mua sắm online ngày càng nhiều. Nắm bắt được điều này, Scoot, hãng hàng không giá rẻ thuộc Singapore Airlines, mới đây quyết định dỡ bớt ghế trong khoang hành khách của những chiếc Airbus A320 để có thêm không gian chở hàng.

Văn phòng Chính phủ mới đây có văn bản thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về việc cho phép tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và một số đối tác. Theo đó, từ ngày 15/9/2020, nối lại các đường bay: Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam - Nhật Bản (Tô-ki-ô), Việt Nam - Hàn Quốc (Xơ-un), Việt Nam - Đài Loan, Trung Quốc (Đài Bắc). Từ ngày 22/9/2020 đối với các đường bay Việt Nam - Cam-pu-chia (Phnôm Pênh), Việt Nam - Lào (Viêng Chăn).

Từ ngày 15/9/2020 đối với các đường bay: Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam – Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam – Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam - Đài Loan, Trung Quốc (Taipei); từ ngày 22/9/2020 đối với các đường bay Việt Nam – Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam – Lào (Vientiane).

Thời gian qua, bên cạnh việc sát cánh cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, các hãng hàng không trong nước cũng liên tục triển khai nhiều giải pháp ứng phó, khôi phục lượng hành khách.

Đại diện hãng Vietjet cho biết đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp quyết liệt như mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển sản phẩm dịch vụ SkyBoss, dịch vụ phụ trợ, thẻ bay Power Pass... Hãng cũng bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài để chủ động trong hoạt động khai thác, tối ưu chi phí vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tương tự, dù là hãng hàng không quốc gia nhưng Vietnam Airlines cũng đồng loạt áp dụng nhiều giải pháp mạnh để cắt giảm chi phí vận hành như tiết kiệm chi phí, bảo đảm dòng tiền; sắp xếp lại lao động; giãn tiến độ thanh toán và các đầu tư chưa cấp thiết; tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu.