Hai công trình giao thông lớn vốn ODA sắp cán đích

26/03/2020

Cầu Thịnh Long và cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long là hai công trình giao thông lớn sử dụng vốn ODA sắp hoàn thành.

Keyword đầu tiên có dấu
Thi công cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ

Ban QLDA Thăng Long đang tập trung tối đa nguồn lực để hoàn thành hai công trình giao thông quy mô lớn là cầu Thịnh Long và cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Thông xe cầu Thịnh Long nối đôi bờ Ninh Cơ

Trực tiếp có mặt trên công trường xây dựng cầu Thịnh Long, ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, phần cầu chính vượt sông Ninh Cơ đã cơ bản hoàn thành, hàng chục công nhân được trang bị bảo hộ lao động để phòng chống dịch Covid-19: Khẩu trang y tế, găng tay… kết hợp với dàn máy móc đang gấp rút thi công, lắp đặt hệ thống đường điện, lan can, vệ sinh mặt cầu. Phía bờ Hải Hậu và Nghĩa Hưng, máy đào, máy xúc khổ lớn của liên danh nhà thầu Hanshin - Cầu đường Long Biên hoạt động hết công suất để hoàn thiện hạng mục phần đường dẫn hai đầu cầu.

Ông Yang Sung Mo, Giám đốc điều hành Công ty Hanshin (Hàn Quốc) cho biết, dự án cầu Thịnh Long được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế của Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đến nay, qua hơn hai năm triển khai, sản lượng thi công toàn dự án đã đạt khoảng 320 tỷ đồng (đạt 94,5%), phần cầu chính đã hợp long từ 30/12/2019.

Hiện, liên danh nhà thầu đang tổ chức triển khai đồng loạt nhiều mũi thi công lớp K98, cấp phối đá dăm loại 1, loại 2, lắp đặt lan can thép, vệ sinh mặt cầu để chuẩn bị thảm bê tông nhựa, đưa công trình vào khai thác. “Toàn bộ công tác thi công tại dự án sẽ kết thúc vào đầu tháng 4 để thông xe, đưa dự án vào khai thác trong khoảng từ ngày 10 - 15/4/2020 theo đúng tiến độ hợp đồng đã ký kết”, ông Yang Sung Mo nói.

Về phía tư vấn giám sát, ông Lee Sang Hoon, Giám đốc Điều hành Tư vấn Sambo - Jinwoo (Hàn Quốc) cho biết, ngay từ khi dự án được phát lệnh khởi công (2/1/2018), công tác kiểm soát tiến độ và chất lượng công trình được kiểm soát rất chặt chẽ theo quy trình của dự án sử dụng vốn ODA.

“Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò Ban QLDA Thăng Long trong tác chỉ đạo, điều hành dự án, mọi thứ đều rất bài bản, chuyên nghiệp”, ông Lee Sang Hoon nói.

Ông Dương Hoài Nam, Giám đốc Điều hành dự án (Ban QLDA Thăng Long) cho biết thêm, đến nay kết quả giải ngân của dự án đã đạt khoảng 90%, công trình đảm bảo hoàn thành vào đầu tháng 4/2020 theo đúng hợp đồng ký kết.

“Khi cầu Thịnh Long đưa vào khai thác sẽ nối liền hai bờ sông Ninh Cơ, xóa cảnh qua sông phải lụy phà, kết nối hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng, rút ngắn khoảng cách 15km trên tuyến vận tải thị trấn Thịnh Long với TP Nam Định”, ông Nam chia sẻ.

Dự án xây dựng cầu Thịnh Long có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 2.359m. Dự án tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng, gồm: Vốn vay từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) là 970,176 tỷ đồng và gần 188 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Cầu cạn giải tỏa ùn tắc cửa ngõ Thủ đô

Keyword đầu tiên có dấu
Thi công cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

Một dự án giao thông khác có quy mô rất lớn sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản là cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội) cũng đang được Ban QLDA Thăng Long rốt ráo triển khai để hoàn thành vào cuối năm 2020. Đây là công trình giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giảm tải tình trạng ùn tắc án ngữ trước cửa ngõ phía Bắc Thủ đô suốt nhiều năm qua và kết nối trung tâm TP Hà Nội với sân bay Nội Bài và các tỉnh khu vực phía Bắc.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông sáng 23/3, bên trong hàng rào thép được quây kín trên đường Phạm Văn Đồng, hàng trăm công nhân, dây chuyền thiết bị, máy móc của các nhà thầu CIENCO4 - Sumitomo (gói 1) và Tokyu - Taisei (gói 2) đang triển khai thi công nhiều hạng mục của dự án. Suốt chiều dài hơn 5km từ cầu vượt Mai Dịch đến sát chân cầu Thăng Long, hàng trăm trụ cầu, xà mũ của công trình đã hoàn thành, nhiều đoạn tuyến đã lao lắp xong dầm super-T và chuyển sang giai đoạn thi công bản mặt cầu, kết cấu phần trên.

Ông Phạm Anh Tú, Trưởng phòng Dự án 1 (điều hành dự án) cho biết, tiến độ thi công hai gói thầu xây lắp của dự án đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu. Trong đó, gói thầu số 1 đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế (nhà thầu Sumitomo - CIENCO4), sản lượng thi công đạt khoảng 820 tỷ đồng (đạt 78,43%) vượt 1,3% so với kế hoạch. Tương tự, gói thầu số 2 đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long, liên danh nhà thầu Tokyu - Taisei đã hoàn thành toàn bộ công tác thi công hạng mục cọc khoan nhồi, bệ trụ, thân trụ và đang tiến hành lao lắp dầm, thi công bản mặt cầu, gờ chắn, lan can, sản lượng thi công đạt khoảng 771 tỷ đồng, đạt 74%.

“Toàn bộ phần cầu chính của dự án sẽ hoàn thành và thông xe đưa vào khai thác trong tháng 9/2020, còn lại một số nhánh Ramp lên xuống sẽ tiếp tục thi công và hoàn thành vào cuối năm 2020. Đến nay, chất lượng của các hạng mục đã thi công đều được nhà thầu, tư vấn giám sát, ban quản lý dự án kiểm soát chặt”, ông Tú nói và cho biết, khi cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được đưa vào sử dụng sẽ khép kín đường Vành đai 3 trên cao, góp phần tạo nên một tuyến đường vành đai hiện đại, giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, các nút giao phức tạp có lưu lượng lớn như: Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn...

Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng gồm: Hơn 4.523 tỷ đồng vốn vay ODA của Nhật Bản và gần 820 tỷ đồng vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án được xây dựng dọc theo dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng mở rộng, chiều dài hơn 5,3km, quy mô bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100km/h.