Đổi mới quản lý đội xe không thể thiếu ứng dụng công nghệ

01/03/2019
 

(Đại Lộ)- Trong khuôn khổ triển lãm Automechanika, tại hội thảo Quản lý đội xe, các thách thức, cũng như các giải pháp và xu thế của ngành vận tải đã được các chuyên gia phân tích chi tiết.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Việt Nam nhận xét: Vận tải ô tô có vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống vận tải quốc gia, nó là khởi đầu và kết thúc của mỗi quá trình vận tải. Tại Việt Nam, vận tải ô tô đang chiếm tỷ trọng trên 70% khối lượng vận tải hàng hóa và trên 90% khối lượng vận tải hành khách trong hệ thống vận tải hành khách cả nước.

 

Ông Nguyễn Văn Quyền- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam

Trong thời gian qua vận tải ô tô Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng phương tiện đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cũng như chất lượng dịch vụ ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên năng suất, chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh vận tải ô tô vẫn còn thua kém nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Chi phí logistics vẫn còn chiếm tỷ trọng cao trong GDP. Nguyên nhân chính là do cơ cấu lực lượng vận tải vẫn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh nên chưa có điều kiện tổ chức quản lý theo hướng hiện đại. Lực lượng cán bộ quản lý ở các doanh nghiệp đa số chưa được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật những kiến thức quản lý mới. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp và kết nối với chủ hàng và hành khách mới chỉ là bước khởi đầu...

Cũng đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Chiến - TGĐ HC Group cho biết trong lĩnh vực này hiện có trên 41% là doanh nghiệp nhỏ có vốn dưới 10 tỷ đồng. Ngoài ra các hạn chế hiện nay khiến chi phí vận tải lớn: phí cầu đường 10-15%, chi phí nhiên liệu 30-35%; Mặt khác hạ tầng CNTT- Viễn thông thiếu quy mô, thiếu ứng dụng, thiếu kết nối.

Ông Nguyễn Đình Chiến- TGĐ HC Group

Doanh số ngành logistics của Việt Nam chiếm 20% GDP, tương đương 40 tỷ USD và xếp thứ 39/160 trên thế giới về năng lực cạnh tranh logistics, xếp thứ 3 trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore và Thái Lan. Trong bối cảnh thời hạn bảo lưu gia nhập tổ chức thương mại thế giới đối với ngành vận tải ô tô của Việt Nam sẽ kết thúc vào cuối năm 2020, khi đó các doanh nghiệp sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn. “Việc thực hiện các hiệp định vận tải đường bộ song phương và đa phương với các nước láng giềng được đẩy mạnh cũng đòi hỏi các doanh nghiệp vận tải phải hiện đại hóa. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới quản lý, tái cơ cấu doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý ngành vận tải” - ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.  

Kim Minh/VTOTO