Đạo làm giàu trong tư tưởng Hồ Chí Minh

19/05/2020

Chúng tôi, những người làm sử có đặt câu hỏi, tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhà hoạt động cách mạng, trong lần đầu tiên về đến Hà Nội sau ngày tổng khởi nghĩa lại chọn người giàu nhất tại phố giàu nhất là gia đình cụ Trịnh Văn Bô trên phố Hàng Ngang làm “đại bản doanh” đầu tiên của mình?

 Bác Hồ chụp ảnh với giới công thương Hà Nội vào ngày 18/9/1945 tại Bắc Bộ phủ.

Bác Hồ chụp ảnh với giới Công Thương Hà Nội vào ngày 18/9/1945 tại Bắc Bộ phủ.

Điều này cho thấy ngay từ rất sớm, với nhận thức về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc phải gắn liền đại đoàn kết toàn dân. Một niềm tin vào dân tộc của mình vượt ra khỏi những khuôn khổ của quan niệm đấu tranh giai cấp còn khá phổ biến trong phong trào cộng sản quốc tế lúc bấy giờ.

Giới Công Thương được đặt ở vị trí quan trọng

Và càng được thể hiện rõ hơn trong lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho giới Công Thương. Bức thư khẳng định, mọi người Việt Nam đều có lòng yêu nước, và mỗi người Việt Nam có quyền bày tỏ lòng yêu nước khác nhau. Người nghèo, người lao động có cách thể hiện ở chiến trường hay công trường. Những người giàu có thể hiện lòng yêu nước bằng đóng góp vào xây dựng kinh tế.

Đây có thể được xem như tư tưởng quán triệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cách mạng và giành được chính quyền đã khó, nhưng củng cố chính quyền để xây dựng một quốc gia mới mà nền tảng là nền kinh tế quốc dân đó mới là điều trọng yếu. Vì lực lượng đó ở đâu và là những ai?

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vị trí giới Công Thương (sau này là doanh nhân) đứng bên cạnh giới luôn coi trọng, đó là nông dân, công nhân và người lao động. Họ là những người tổ chức kinh tế, xã hội, làm ra của cải vật chất…

Như vậy, chúng ta có thể hiểu giới Công Thương cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vào một vị trí hết sức quan trọng. Đó là mối quan hệ giữa Nhà nước và giới Công Thương – mối quan hệ biện chứng. Một nhà nước giàu có, một nhà nước vững mạnh thì phải tạo điều kiện cho giới Công Thương phát triển. Ngược lại, sự phát triển của giới Công Thương cũng góp phần làm cho đất nước giàu mạnh.

Đây là mối quan hệ đặc biệt quan trọng, vì giới Công Thương Việt Nam được hình thành trong thời kỳ người Pháp biến nước ta thành thuộc địa. Chính điều này đã phần nào thể hiện được tính dân tộc, tinh thần yêu nước, nhưng luôn bị chèn ép không những bởi chính sách thực dân, mà bởi cả từ những thế lực kinh tế bên ngoài như Hoa kiều.

Vì thế, có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là người đứng đầu nhà nước đã xác lập trách nhiệm của nhà nước đối với giới Công Thương, và nghĩa vụ của giới Công Thương với nhà nước. Trước đây chúng ta hay nói nước giàu thì dân mạnh, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng muốn nói đến một vế nữa, đó là dân giàu thì nước sẽ mạnh. Đó chính là nền tảng cho một chính sách, đường lối xây dựng kinh tế đất nước dựa trên lực lượng dân tộc, không chỉ là những người lao động, mà kể cả những nhà công thương, những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế.

Có thể nói, tư tưởng đó mặc dù phải trải qua thử thách của cuộc kháng chiến chống Pháp, sau này còn bị ảnh hưởng của một số tư tưởng cũng như chính sách từ bên ngoài đối với giới công thương. Như thời kỳ khôi phục kinh tế, sau đó là công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đối với giới công thương, đây là một bài học sâu sắc, khi chúng ta đã xa rời quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Và chúng ta đã nhìn thấy, với công cuộc đổi mới hiện nay, vị trí của giới doanh nhân đã được xác lập một cách vững chắc, thông qua đường lối chính sách rất cụ thể, vai trò của giới doanh nhân ngày càng trở nên quan trọng. Điều này được thể hiện ở khối mà chúng ta thường hay định danh là doanh nghiệp tư nhân, DNNVV. Ở đó huy động được toàn bộ sức mạnh của quốc gia và lực lượng xã hội tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, bên cạnh lực lượng của nhà nước.

Sứ mệnh phụng sự tổ quốc

Tôi cho rằng, giới doanh nhân cũng như mọi thành phần xã hội của dân tộc, sứ mệnh của giới doanh nhân gắn liền với từng thời kỳ lịch sử cụ thể, với những nhiệm vụ cụ thể. Đơn cử, thời kỳ cách mạng mới thành công thì đúng như tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới Công Thương tham gia vào xây dựng nền kinh tế quốc dân để góp phần xây dựng một nhà nước mới.

Khi chiến tranh bùng nổ, giới doanh nhân không những chỉ đóng góp về công sức, tài sản mà còn có cả xương máu. Chúng ta đã biết đến tên tuổi doanh nhân nổi tiếng Sơn Hà ở Hải Phòng, người con của cụ cũng tham gia quân đội, sau đó hy sinh. Hay như gia đình tôi, cũng là một doanh nhân trên phố Hàng Đường, bố tôi cũng là liệt sỹ. Họ tham gia vào cuộc kháng chiến như nghĩa vụ của một người công dân trong những thời kỳ lịch sử khác nhau.

Chỉ có điều, có những thời kỳ chúng ta áp dụng những chính sách có phần nào sai lầm, đó là đã triệt tiêu sức mạnh của giới doanh nhân, như thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa. Số đông các doanh nhân đều chấp hành, nhưng sau khi đất nước mở cửa, đổi mới thì có rất nhiều con cháu của các thế hệ doanh nhân xưa bên cạnh các tầng lớp doanh nhân mới, đã trở lại thương trường và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Cho nên, chúng ta không nên tách doanh nhân ra khỏi các lực lượng khác. Mỗi một lực lượng trong xã hội đều có trách nhiệm trong từng giai đoạn lịch sử. Đến thời điểm hiện nay, công cuộc xây dựng kinh tế có rất nhiều thử thách, không kém phần khắc nghiệt so với thời kỳ chiến tranh. Doanh nhân ngày nay phải cạnh tranh để vươn lên không chỉ ở trong nước mà trên thế giới. Đơn cử, dịch Covid-19 là thử thách rất lớn đối với giới doanh nhân Việt Nam.

Như vậy, vai trò của nhà nước là tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, hành lang pháp lý thông thoáng với những điều kiện cởi mở... sẽ là điểm then chốt giúp doanh nhân Việt Nam phát triển bền vững. Chúng ta đã thấy một chính phủ hành động, phản ứng quyết đoán hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những rào cản thủ tục hành chính, mạnh tay với những hành vi nhũng nhiễu của các quan chức nhà nước khi có thái độ vòi vĩnh hay làm khó doanh nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn cần có sự tác động tích cực hơn nữa để tầng lớp doanh nhân ngày nay phát huy hết tiềm năng và trí tuệ của mình.

Và đương nhiên, nói đến doanh nhân chúng ta cũng không thể không nhắc đến mặt tiêu cực trong quá trình làm giàu. Điều này bản thân mỗi doanh nhân phải nhận thức được hết trách nhiệm của mình, cộng đồng doanh nhân trên cơ sở hội, đoàn tổ chức lại để đội ngũ doanh nhân này ngày càng trong sạch, vững mạnh đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của đất nước.

Mỗi doanh nhân là một thực thể, hoạt động trong môi trường kinh tế sôi động như hiện nay sẽ không tránh khỏi cạnh tranh giữa các doanh nhân trong nước với nhau, cũng như doanh nhân trong và ngoài nước. Nhưng phải được gắn kết với nhau trên một nền tảng tinh thần yêu nước, như lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới doanh nhân, đó là yêu nước và phụng sự cho đất nước mình.

Chúng ta nhớ lại thời kỳ giới doanh nhân Việt Nam mới bắt đầu khởi nghiệp trong lòng xã hội thuộc địa phong kiến, cụ Lương Văn Can là người đầu tiên đưa ra khái niệm về đạo làm giàu. Làm giàu là mục tiêu, nhưng làm giàu phải có đạo, phải mang lại giá trị tích cực đối với cuộc sống cũng như đối với chính doanh nghiệp của mình.