102.000 tỷ đồng xây Sân bay Long Thành lấy từ đâu?

06/10/2020

Kết luận của Hội đồng thẩm định liên quan đến tổng mức đầu tư dự án Sân bay Long Thành giảm hơn 2.500 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu.


Một khoảnh rừng cao su thuộc xã Bình Sơn (huyện Long Thành) đã được cưa hạ để giao mặt bằng dự án Sân bay Long Thành (Chụp ngày 17/9)

Hội đồng thẩm định nhà nước vừa hoàn tất việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, khẳng định báo cáo FS dự án đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quyết định đầu tư xây dựng. Theo báo cáo, tổng nhu cầu vốn để thực hiện đầu tư Dự án là 102.489,3 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư giảm hơn 2.500 tỷ đồng

Điểm đáng chú ý trong kết luận của Hội đồng thẩm định liên quan đến tổng mức đầu tư dự án, cụ thể là giảm hơn 2.500 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu.

Cụ thể, tổng mức đầu tư trong Báo cáo FS Dự án do Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) lập và Bộ GTVT trình là hơn 111,6 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 4,7 tỷ USD) được lập theo các quy định của Nghị định số 32/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hệ thống các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định Dự án, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thay thế Nghị định 32/2015, do đó làm ảnh hưởng đến việc xác định các nội dung chi phí thuộc tổng mức đầu tư Dự án.

Hội đồng thẩm định nhà nước đã xem xét tổng mức đầu tư Dự án theo các quy định của Nghị định 32 trước đây và yêu cầu Bộ GTVT, ACV chỉ đạo Tư vấn lập Báo cáo FS rà soát, tính toán tổng mức đầu tư Dự án theo quy định tại Nghị định số 68.

Kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư Dự án được Tư vấn thẩm tra xác định theo Nghị định 32 là hơn 109,2 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 4,67 tỷ USD), giảm hơn 2.400 tỷ đồng (tương đương hơn 109 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu. Nếu áp theo Nghị định 68, con số này là hơn 109,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,67 tỷ USD), giảm hơn 2.500 tỷ đồng (tương đương 114,3 triệu USD).
Chốt thời gian giao toàn bộ mặt bằng dự án sân bay Long Thành | Giao thông  | PLO
Huy động vốn cách nào?

Theo báo cáo, tổng nhu cầu vốn thu xếp để thực hiện đầu tư Dự án là 102.489,3 tỷ đồng. Trong đó, dự án thành phần 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước) cần 293,3 tỷ đồng, từ nguồn NSNN của các cơ quan chủ quản công trình hoặc huy động vốn đầu tư đầu tư theo PPP trong trường hợp các cơ quan chủ quản công trình không bố trí được vốn.

Dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) do Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) thực hiện, cần 3.176 tỷ đồng (trong đó 1.588 tỷ đồng vốn tự có và 1.588 tỷ đồng vốn huy động).

Được biết, theo Báo cáo tài chính riêng đã được kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019 của VATM, vốn chủ sở hữu là 3.807 tỷ đồng, nợ dài hạn là 187 tỷ đồng, trong đó đã đầu tư tài sản dài hạn là 1.325 tỷ đồng. Khả năng huy động vốn để đầu tư Dự án tại thời điểm ngày 31/12/2019 là 2.669 tỷ đồng, lớn hơn số vốn tự có để đầu tư thực hiện Dự án (1.588 tỷ đồng).

Với vốn huy động, VATM dự kiến vay thương mại bằng tiền đồng từ ngân hàng trong nước, lãi suất khoảng 11%/năm. Hiện tại, đã có ngân hàng Vietcombank và MB xác nhận sẽ cung cấp tín dụng cho VATM để thực hiện Dự án.

Dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không) do ACV thực hiện cần hơn 93 nghìn tỷ đồng (hơn 36,1 nghìn tỷ đồng vốn tự có và hơn 56,9 nghìn tỷ đồng vốn huy động).

Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho hay: Vốn tự có của ACV đến từ 2 nguồn. Thứ nhất là 29.225 tỷ đồng tiền mặt hiện có và dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2020 - 2025 dành riêng cho Dự án là 6.877 tỷ đồng.

Qua xem xét Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019, ACV có vốn chủ sở hữu là 36.757 tỷ đồng, nợ dài hạn là 14.900 tỷ đồng, trong đó đã đầu tư tài sản dài hạn là 20.884 tỷ đồng. Khả năng huy động vốn dài hạn để đầu tư Dự án tại thời điểm ngày 31/12/2019 là 30.773 tỷ đồng.

Khoản vốn vay (hơn 56,9 nghìn tỷ đồng) dự kiến được ACV huy động dưới nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế... Hiện nay, 22 tổ chức đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để trao đổi về dự án, trong đó 12 tổ chức đã ký biên bản ghi nhớ về mong muốn tài trợ cho dự án với tổng giá trị đề xuất hơn 143.000 tỷ đồng, nhiều hơn nhu cầu vốn cần huy động.

Cuối cùng, dự án thành phần 4 (các công trình dịch vụ) cần hơn 5.930 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động.

Bộ GTVT đã đánh giá và liên hệ thực tế tại các cảng hàng không lớn, cho thấy các doanh nghiệp ngành hàng không rất quan tâm và sẵn sàng đầu tư các công trình này vì có khả năng sinh lợi tốt. Do vậy, việc huy động vốn thông qua việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các công trình này là hoàn toàn khả thi.

Không sớm khởi công, khó hoàn thành đúng tiến độ

Về thời gian, tiến độ thực hiện, các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư, phân kỳ đầu tư, Hội đồng thẩm định nhà nước cho biết: Theo Báo cáo FS Dự án, dự kiến thời gian, tiến độ thực hiện Dự án từ năm 2020 - 2025 phù hợp với mốc thời gian tối đa theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 94.

Tuy nhiên, kết quả thẩm tra Liên danh tư vấn thẩm tra khuyến cáo, Dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, thời gian hoàn thiện Báo cáo FS và thời gian tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế, tổ chức thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu có thể kéo dài hơn so với dự kiến nên tiến độ dự kiến hoàn thành Dự án vào cuối năm 2025 là khó khăn.

Cần phải nói rằng, thực tế, ngay từ khâu thẩm định, trình duyệt dự án, tiến độ đã chậm khá nhiều so với yêu cầu của Chính phủ (yêu cầu từ tháng 3/2020 nhưng đến cuối tháng 9/2020 mới hoàn thành). Trong trường hợp được Chính phủ thông qua dự án vào tháng 10 này, các thủ tục chuẩn bị cho dự án giai đoạn 1 sẽ chậm gần 6 - 7 tháng so với yêu cầu.

Về vấn đề này, Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt khẳng định, nếu được Chính phủ thông qua, ACV sẽ nỗ lực tối đa để có thể đẩy nhanh nhất tiến độ xây lắp, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.

“Ngay khi dự án được phê duyệt, ACV sẽ thi công hạng mục đầu tiên là hàng rào sân bay. Đây là hạng mục rất quan trọng, nhưng có thể làm cuốn chiếu, có mặt bằng sạch tới đâu sẽ thực hiện tới đó”, ông Phiệt nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Nguyễn Bách Tùng cho rằng, ACV sẽ phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm rút ngắn tiến độ đấu thầu, thiết kế kỹ thuật, thi công để có thể hoàn thành Dự án vào cuối năm 2025.

 

Cảng HKQT Long Thành được xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.