Rà soát, khắc phục bất cập biển báo hiệu đường bộ theo Quy chuẩn mới

01/05/2020
Keyword đầu tiên có dấu
Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu điều chỉnh hệ thống báo hiệu trên đường bộ đang khai thác, đảm bảo đến ngày 1/7, hệ thống báo hiệu đường bộ phù hợp QCVN 41:2019 - Ảnh minh họa

Tổng cục Đường bộ VN vừa có văn bản yêu cầu các sở GTVT, cục quản lý đường bộ, các ban QLDA, nhà đầu tư BOT triển khai Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 của Bộ GTVT.

Đơn vị này cho biết, ngày 31/12/2019 Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 54 ban hành Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 thay thế quy chuẩn năm 2016. Quy chuẩn mới có nội dung về quy cách biển báo, vạch sơn cơ bản giữ nguyên theo quy chuẩn hiện hành, chỉ điều chỉnh theo hướng rõ ràng hơn, hạn chế tình trạng hiểu nhầm, hiểu chưa đúng, đồng thời cập nhật một số tình huống thực tiễn phát sinh.

"Quy chuẩn mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, nhưng do tính kế thừa nêu trên, các đơn vị cần chủ động nghiên cứu Quy chuẩn mới để thiết kế, thi công đối với công trình đường bộ đang triển khai. Đồng thời, rà soát điều chỉnh hệ thống báo hiệu trên đường bộ đang khai thác, đảm bảo hệ thống báo hiệu đường bộ phù hợp QCVN 41:2019", Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu.

Trong quá trình triển khai, các đơn vị phải thường xuyên rà soát, phát hiện để kịp thời thực hiện khắc phục các bất cập về hệ thống báo hiệu, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành và phát huy tốt chức năng báo hiệu cho người tham gia giao thông an toàn, góp phần đảm bảo trật tự ATGT.

"Cùng đó, cần rà soát các tình huống, phương án tổ chức giao thông cụ thể có liên quan đến khái niệm xe con, xe tải để xem xét, quyết định điều chỉnh cho phù hợp với quy định", Tổng cục nêu và cho rằng, trên các tuyến đường có quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe cơ giới trở lên, lưu lượng giao thông lớn, khuyến khích xem xét để có thể lắp đặt một số biển báo cần thiết trên giá long môn hoặc cột cần vươn hoặc lắp đặt bổ sung biển báo bên trái theo chiều xe chạy (quy định này là không bắt buộc) để tạo điều kiện tốt hơn cho người tham gia giao thông tiếp cận thông tin báo hiệu (đặc biệt là biển báo cấm, biển hiệu lệnh).

"Để hạn chế tai nạn đối đầu, nâng cao hiệu quả khai thác, tránh lãng phí đầu tư trên các đường có lưu lượng xe thô sơ không lớn, việc áp dụng vạch phân chia làn xe thô sơ và làn xe cơ giới phải tuân thủ theo quy định tại mục G1.3 Quy chuẩn QCVN 41:2019", Tổng cục Đường bộ VN thông tin.

Theo đó, không bố trí phân chia làn xe thô sơ và làn xe cơ giới khi bề rộng phần đường dành cho xe thô sơ nhỏ hơn 1,5m trên đường có 2 làn xe cơ giới và lưu lượng xe thô sơ không lớn. Khi không bố trí làn xe thô sơ riêng, có thể bố trí vạch phân chia các làn xe cùng chiều vạch 2.1 hoặc vạch 2.1 kết hợp vạch 2.2.

"Quy cách, hình vẽ, kích thước chi tiết của từng biển báo, vạch sơn được quy định tại các Phụ lục của Quy chuẩn mới, đề nghị các đơn vị áp dụng để thiết kế, thi công đảm bảo tính thống nhất của hệ thống biển báo", Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu.