Doanh nghiệp vận tải vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ

26/07/2021
 Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải lại cho rằng, các điều kiện vay vốn vẫn đang là rào cản khiến họ chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ lần này.

Vẫn còn nhiều rào cản về điều kiện vay vốn

Khỏi phải nói về khó khăn của các doanh nghiệp vận tải trong suốt 2 năm qua. Vì thế, khi đón nhận thông tin gói hỗ trợ 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ được ban hành, nhiều doanh nghiệp vận tải hy vọng đây sẽ là “chiếc phao cứu sinh” giúp họ vượt qua khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, các điều kiện vay vốn vẫn đang là rào cản khiến họ chưa thể tiếp cận được gói 26.000 tỷ (Trong ảnh: Bến xe Nước Ngầm vắng bóng hành khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Ảnh: Tạ Hải

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát - đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt, không chỉ Minh Thành Phát mà phần lớn các doanh nghiệp vận tải khu vực phía Bắc đều không trông chờ tiếp cận được gói hỗ trợ này. Nguyên nhân là hầu hết các tỉnh chưa thực hiện Chỉ thị 16 nên doanh nghiệp chưa dừng hoạt động.

Phân loại nhóm nợ xấu để DN dễ tiếp cận

Đối với các doanh nghiệp vận tải, trải qua hết lần dịch này tới lần khác, khó khăn chồng chất. Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp vận tải, trong đó có cả doanh nghiệp lớn đã và đang rao bán tài sản để trả nợ.
Kinh doanh thì phải vay vốn để tái đầu tư, đó là chuyện bình thường, tuy nhiên trong tình cảnh dịch chồng dịch, khả năng rơi vào nợ xấu là rất lớn. Để tháo gỡ điều kiện vay vốn ưu đãi phục hồi sản xuất, các hiệp hội vận tải, Bộ GTVT cần tiến hành phân nhóm doanh nghiệp có nợ xấu trước và sau khi dịch Covid-19 xảy ra. Theo đó, đối tượng phát sinh nợ xấu bởi dịch có thể được xem xét để nới điều kiện để dễ dàng tiếp cận với chính sách hỗ trợ.
Ông Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện
Công nhân và Công đoàn

“Hà Nội cũng mới dừng hoạt động ngày từ ngày 24/7 nên chúng tôi không đáp ứng điều kiện gói hỗ trợ đưa ra”, ông Bằng nói và cho hay, theo Nghị quyết 68, doanh nghiệp được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% với điều kiện phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch.

Đồng thời, không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn. Tuy nhiên, để đáp ứng được là rất khó”, ông Bằng nói.

Với gói hỗ trợ 62.000 tỷ lần 1, ông Bằng cho biết, doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận bởi điều kiện của gói này là chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp bị dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên.

Trong khi đó, thời gian tạm dừng hoạt động của các đơn vị vận tải ở Hà Nội thời điểm dài nhất mới là 28 ngày.

“Chúng tôi nhiều lần kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước nhưng chỉ nhận được phản hồi là nên chủ động làm việc, đề xuất với tổ chức tín dụng”, ông Bằng cho hay.

Tương tự, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Mai Linh vùng I cho hay, khi nghiên cứu kỹ Nghị quyết 68, ông mới hay doanh nghiệp mình và nhiều hãng vận tải khác sẽ không đủ các điều kiện được nhận hỗ trợ và vay vốn ưu đãi.

Theo ông Hùng, doanh nghiệp taxi sẽ không tiếp cận được, bởi quy định nêu rất rõ chỉ áp dụng hỗ trợ đối với doanh nghiệp dừng hoạt động để cách ly, người lao động bị cách ly, giãn cách, số lượng xe dừng hoạt động 100%… Tuy nhiên, 80% taxi của Mai Linh dừng hoạt động, còn lại chỉ được phép chở 50% số chỗ ngồi, vậy nên bản chất có hoạt động cũng như không.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền cho rằng, qua 4 đợt dịch, các DN vận tải gần như kiệt quệ, sản lượng và doanh thu vận tải hành khách bằng ô tô sụt giảm 70 - 80%.

Vận tải hàng hóa cũng bị gián đoạn, thời gian giao hàng kéo dài và chi phí tăng cao. “Để vực dậy ngành vận tải, Chính phủ cần tiếp tục nới lỏng các điều kiện, đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ lần này”, ông Quyền nói.

Cũng theo ông Quyền, việc triển khai chính sách này như thế nào đang là vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Mặc dù lần này người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cam kết giảm tối đa các thủ tục, song ngân hàng không dễ dàng xuất tiền cho vay nếu họ không “nắm đằng chuôi”.

“Cần phải có sự thống nhất trong triển khai và sự tương tác nhiều hơn giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu thực sự. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các chính sách an sinh cần đảm bảo tính dài hạn và linh hoạt”, ông Quyền nói.

Đường sắt trông chờ “phao cứu sinh”

Xe khách giường nằm ngừng hoạt động, xếp hàng tại Bến xe Giáp Bát (Chụp ngày 23/7). Ảnh: Lê Tươi

Tương tự, đối với các doanh nghiệp ngành Đường sắt, sau đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, vận tải hành khách gần như bị tê liệt, đã có hơn 2.300 đoàn tàu khách bị bãi bỏ. Doanh thu 6 tháng giảm mạnh, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội dự kiến lỗ 130 tỷ đồng, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn dự kiến lỗ 150 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm, số lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động bình quân 831 người/tháng, tổng số lao động phải làm việc luân phiên là gần 5.000 lượt người.

Tại Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc cho biết, số lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động bình quân từ 150 - 200 lao động/tháng; số lao động phải nghỉ việc luân phiên bình quân 500 - 600 lao động/tháng. Có đơn vị mất việc hoàn toàn như trạm công tác trên tàu Đà Nẵng với gần 100 người.

Tuy nhiên, trên thực tế để hưởng các hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ không phải là điều dễ dàng. Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, để được hưởng hỗ trợ người lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, doanh nghiệp phải dừng hoạt động theo văn bản yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Trong khi đó, công ty buộc phải dừng tàu khách do các địa phương thực hiện giãn cách, cách ly xã hội, không được đón, trả khách tại một số ga. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng không có văn bản nào yêu cầu dừng tàu khách.

“Đây là vướng mắc lớn nhất khiến người lao động khó được hỗ trợ. Nếu quy định mở là người lao động làm việc trong doanh nghiệp vận tải, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, đã đóng bảo hiểm đến tháng 4/2021 nhưng đến thời điểm nộp hồ sơ đã bị tạm hoãn hợp đồng lao động, thì khoảng 2.500 người lao động công ty sẽ được hưởng hỗ trợ. Chúng tôi đề xuất cần linh hoạt trong vận dụng các quy định”, vị này nói.

Hàng không tiếp cận nhiều gói hỗ trợ

Đối với vận tải hàng không, đây là một trong lĩnh vực, ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định và tiếp tục gia hạn cho đến năm 2021; áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ các khó khăn về vốn.

Được biết, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét cho phép Bộ GTVT tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Bộ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan xem xét kiến nghị khác của các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không về việc hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán.

Riêng với Vietnam Airlines, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 135, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 194 ngày 31/12/2020 để triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không quốc gia với quy mô lên đến 12.000 tỷ đồng.

Trong số này, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay có tài sản bảo đảm của Vietnam Airlines với số tiền khoảng 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%; cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) để tăng vốn điều lệ với số tiền lên đến 8.000 tỷ đồng.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng. Hiện Vietnam Airlines đang tiếp tục triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý III/2021.

 

Doanh nghiệp vận tải đã được hỗ trợ gì?


Ông Trần Bảo Ngọc

Đề cập đến cơ chế, chính sách để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, đầu mối triển khai chính sách này là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nguồn vốn hỗ trợ được triển khai thông qua đầu mối là các địa phương.

Đối với doanh nghiệp nghiệp vận tải, trên cơ sở kiến nghị của các hiệp hội, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành theo chức năng nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục có các chương trình, chính sách cho vay ưu đãi, giảm các điều kiện, thủ tục cho vay để doanh nghiệp vận tải đường bộ được tiếp cận nhanh chóng.

“Bộ GTVT vừa báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến các Bộ, ngành về đề xuất của Bộ GTVT”, ông Ngọc nói.

Về hỗ trợ doanh nghiệp vận tải thời gian qua, ông Ngọc cho biết, Bộ GTVT đã chủ động triển khai nhiều cơ chế, chính sách.

Đối với lĩnh vực hàng không, hiện đã được giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống 70% mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giảm mức và lệ phí tại cảng hàng không, sân bay; cho phép các hãng hàng không được khoanh nợ, giãn nợ với các khoản giá, phí dịch vụ...

Đối với vận tải đường bộ, Bộ GTVT đã hỗ trợ mức thu một số khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021; giảm 30% phí bảo trì đường bộ đối với doanh nghiệp vận tải hành khách, 10% xe tải và hỗ trợ các phương tiện mua vé tháng, vé quý qua các trạm BOT; lùi quy định lắp camera trên xe kinh doanh vận tải.

Các doanh nghiệp vận tải đường sắt cũng đã được giảm 50% mức nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đến hết năm nay; Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội đã nhận được văn bản chấp thuận điều chỉnh giảm lãi suất vay của ngân hàng với số tiền 1,8 tỷ đồng trên tổng dư nợ vay hơn 100 tỷ đồng.

Về giải pháp hỗ trợ thời gian tới, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ GTVT tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không đến hết năm 2021.

Đối với đường sắt, sẽ bổ sung danh mục các sản phẩm lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe vào và danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư; chính sách tín dụng đầu tư Nhà nước để các dự án đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt...

Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán đối với doanh nghiệp hàng không; tiếp tục có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay...

“Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% hoặc 0% đến hết năm nay đối với ngành kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia”, ông Ngọc nói.

 

Trần Duy
(Nguồn https://www.baogiaothong.vn/doanh-nghiep-van-tai-van-kho-tiep-can-goi-ho-tro-26000-ty-d517714.html)