Vẫn còn đó những nỗi lo!?
Xét trên góc độ pháp lý thì Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đang trở thành một cứu cánh đáng kỳ vọng của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng hiện nay vẫn phải chờ Nghị định đi vào thực tế bởi ngay giữa lòng Thủ đô nhiều xe “núp mác” hợp đồng vẫn ngang nhiên lập bến.
Ghi nhận sau một tháng Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ban hành, tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội tình trạng xe “núp mác” hợp đồng vẫn diễn ra vô cùng tấp nập. Cụ thể, tại khu vực cổng phụ Công viên Cầu Giấy, đoạn đường ngã tư Thành Thái – Trương Công Giai, mặc dù không phải điểm quy hoạch bến bãi dành cho xe đón, trả khách nhưng hàng loạt xe “núp mác” hợp đồng của các nhà xe: Huy Bình, Phiệt Học, Hà Hải, Xe Việt Nam,… vẫn tự do tung hoành với hàng loạt xe Limousine và xe County loại 30 chỗ, chạy tuyến chính như: Hà Nội – Thái Bình; Hà Nội – Hải Dương; Hà Nội – Nam Định; Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Quảng Ninh;…
Không chỉ có vậy, nhiều nhà xe hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định nhưng lại áp dụng phương thức liên hệ đặt chỗ qua điện thoại rồi đón, trả khách tại điểm thuê trụ sở văn phòng. Đơn cử như nhà xe Hà Lan chạy tuyến Hà Nội – Thái Nguyên hoạt động đón, trả khách cố định tại: B10 Tràng Hào, Nguyễn Chánh; số 50 Võ Chí Công; 265 Nguyễn Trãi;…
Pháp luật có được thực thi?
Nhận định về Điều 7 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP với kỳ vọng xóa sổ được vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, Giám đốc Cty luật HPVN cho biết: khoản 3 Điều 7 về kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng quy định:
“Chỉ được ký kết hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau;
Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh”.
Theo Luật sư Hiệp: Đây là Điều khoản, tạo nên sự hoàn thiện có tính chất thực tiễn pháp lý cao của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP mà Nghị định số 86/2014/NĐ-CP chưa có được. Nếu đi vào thực tiễn sẽ giải quyết được hàng loạt những bất cập mà các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đang gặp phải.
Chỉ còn hơn một tháng nữa Nghị định số 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành nhưng nhìn vào thực trạng vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng hiện nay, vẫn còn đó những nỗi lo... Liệu chăng các đơn vị hành chính, cơ quan chức năng,… có sẵn sàng vào cuộc? Và kỳ vọng của hàng ngàn doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định có được đáp ứng?
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!