Định danh loại hình vận tải, xe hợp đồng hết chiêu trá hình

08/11/2019
 Xe Limousine Phúc Xuyên chạy tuyến Hà Nội - Quảng Ninh chuẩn bị đón khách trên đường Mạc Thái Tổ, quận Cầu Giấy, Hà Nội (Chụp sáng 30/7). Ảnh: Hữu Tuấn
Xe Limousine Phúc Xuyên chạy tuyến Hà Nội - Quảng Ninh chuẩn bị đón khách trên đường Mạc Thái Tổ, quận Cầu Giấy, Hà Nội (Chụp sáng 30/7). Ảnh: Hữu Tuấn

Phát sinh bất bình đẳng

Luật GTĐB năm 2008 chia ra 5 loại hình vận tải gồm: Vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch. Đánh giá sau 10 năm thực hiện Luật, nhiều ý kiến cho rằng việc phân chia này đến nay không còn phù hợp, cần điều chỉnh lại.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, xung quanh việc quản lý các loại hình vận tải bộc lộ nhiều bất cập trong thời gian dài. Luật GTĐB định nghĩa vận tải khách theo hợp đồng, xe taxi, xe buýt, không còn phù hợp, có sự giao thoa giữa các loại hình như xe hợp đồng với xe tuyến cố định, xe hợp đồng với xe taxi. Trong điều kiện đổi mới kinh doanh vận tải, nếu cứ giữ định nghĩa như hiện nay sẽ không còn phù hợp.

“Các mâu thuẫn trong kinh doanh vận tải có nguyên nhân do khoa học công nghệ phát triển, công nghệ kết nối giữa người có nhu cầu và người cung cấp vận tải rất thuận tiện, trong khi điều kiện kinh doanh tuyến cố định chặt chẽ, điều kiện kinh doanh hợp đồng lại lỏng lẻo. Bên cạnh đó, các tiêu chí để phân loại giữa xe buýt và xe tuyến cố định lại rất gần nhau. Có nhiều vấn đề nóng trong vận tải hiện nay, nổi lên là mâu thuẫn giữa xe taxi với xe hợp đồng, mâu thuẫn trong quản lý xe hợp đồng với xe tuyến cố định. Đơn kêu cứu của 11 doanh nghiệp vận tải tuyến cố định tỉnh Quảng Ninh gửi Thủ tướng đề nghị có biện pháp giải quyết đảm bảo công bằng trong kinh doanh, chống thất thu thuế là ví dụ điển hình của mâu thuẫn này”, ông Quyền nói.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Công ty Vận tải Thành Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Tuyên Quang cho rằng, giữa hai loại hình chưa có sự công bằng, ba năm nay Limousine không nộp thuế, tuy chưa có con số chính xác nhưng với trên 100 nghìn xe, Nhà nước thất thu thuế rất lớn. Nhiều người ở Tuyên Quang nhưng mua xe biển số Hà Nội không sang tên đổi chủ để tránh kiểm soát của công an. Vì vậy, cần phải sang tên đổi chủ mới kiểm soát được thực trạng này.

Ông Đỗ Khắc Hà, Giám đốc Công ty CP Viladata, đơn vị chủ quản sàn giao dịch vận chuyển Tadi cho rằng, để công bằng trong vận tải, cần giải quyết công bằng về thuế. Trong khi loại hình tuyến cố định nộp thuế đầy đủ, xe hợp đồng trá hình lách được nhiều khoản thuế. “Chỉ khi công bằng về thuế mới công bằng được trong các điều kiện khác. Hệ thống thuế đã lỗi thời, trong thời đại kinh tế chia sẻ, nếu thu thuế không trực tuyến sẽ không giải quyết được vấn đề”, ông Hà khẳng định.

Đề cập nội dung này, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, định nghĩa về xe hợp đồng có cách đây cả chục năm, khi đó số lượng phương tiện ít nên đúng bản chất xe hợp đồng. Đến nay, khi xã hội phát triển, bản chất xe hợp đồng bị biến tướng, không còn đúng bản chất xe hợp đồng, dẫn đến mâu thuẫn với xe tuyến cố định. Hiện, cũng còn nhiều mâu thuẫn lớn giữa xe taxi và xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, trong đó có cả xe taxi có hợp đồng điện tử.

“Mâu thuẫn đầu tiên xuất phát từ chính việc phân loại các loại hình vận tải. Cho đến nay, trong Luật GTĐB xác định không rõ, thậm chí trùng lắp giữa xe hợp đồng với xe tuyến cố định vì cùng phục vụ một đối tượng khách hàng. Xe hợp đồng và xe du lịch hầu như cũng không có gì khác nhau hay như xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ là một nhưng tên gọi khác nhau. Từ phân loại này dẫn đến quy định về điều kiện kinh doanh và quản lý với từng loại hình không còn phù hợp”, ông Bình nói.

“Chia” lại loại hình khi sửa luật

Quy định từ trước đến nay về xe hợp đồng là đơn vị vận tải hay chủ xe chỉ ký một hợp đồng đối với người đại diện cho số hành khách đi trên một chuyến xe. Đến nay, do công nghệ phát triển, việc kết nối giữa đơn vị vận tải và hành khách khá dễ dàng, nhiều chuyến xe hợp đồng đón khách ở nhiều địa điểm, có nghĩa là 1 chuyến xe ký hợp đồng với nhiều khách hàng. Như thế, có phù hợp với khái niệm xe hợp đồng hay không cần phải làm rõ trong lần sửa luật và nghị định sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN


Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hậu quả mất trật tự vận tải đang ở mức nghiêm trọng, Nhà nước thất thu. Nguyên nhân có nhiều, nhưng một điểm đáng chú ý là mất cân đối nhu cầu đi lại của xã hội với số lượng phương tiện. Hiện, chỉ sử dụng khoảng 60% hệ số ghế nên doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật, đây là hệ quả của tự do gia tăng phương tiện. Chúng ta cần tập trung giải quyết vấn đề cung vượt cầu này. Cần định danh rõ loại hình hoạt động của từng loại phương tiện, tránh chồng lấn, đồng thời bình đẳng về điều kiện đăng ký kinh doanh.

Ông Trần Quang Bình cho biết thêm: “Cần phân loại lại các DN để giải quyết điều kiện kinh doanh xe tuyến cố định quá chặt chẽ, phải bỏ được tình trạng “ông có tóc thì nắm”, còn xe hợp đồng không có gì thì không nắm được. Chúng ta đang quản lý trên cơ sở có nắm được để ban hành quy định chứ không phải tạo hành lang pháp lý để các loại hình vận tải giống nhau phải nằm trên cùng một mặt bằng chung. Từ phân loại này, quy định về điều kiện kinh doanh cũng cùng một mặt bằng chung. Điều này có nghĩa là nới lỏng xe tuyến cố định, đồng thời siết chặt hơn loại hình xe hợp đồng. Lúc đó, chỉ gọi hai loại hình này một tên hoặc là xe vận tải liên tỉnh”.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đây sẽ là bài toán dài hơi cho việc chuyển đổi, tổ chức lại vận tải. Trong ngắn hạn, Tổng cục sẽ rà soát lại thủ tục, điều kiện kinh doanh tuyến cố định theo hướng cắt giảm tối đa điều kiện như bỏ quy hoạch, lựa chọn khai thác tuyến khi sửa đổi Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, sẽ cắm các điểm dừng đón trả khách, để DN dễ tiếp cận với nhu cầu đi lại của người dân. “Hiện, vẫn còn tranh cãi về mô hình kinh doanh vận tải nhưng chủ trương thống nhất là xác định việc phân loại giữa các loại hình vận tải trong Luật GTĐB không còn phù hợp. Đây là bài toán dài hạn, về lâu dài, khi sửa Luật GTĐB sẽ có đổi mới triệt để về phân loại loại hình kinh doanh vận tải, từ đây mô hình DN nào phù hợp với quy mô, cự ly sẽ được điều chỉnh, cùng với đó điều kiện kinh doanh cũng sẽ thay đổi. Việc quản lý từng mô hình kinh doanh vận tải sẽ được nghiên cứu khi điều chỉnh sửa Luật GTĐB”, bà Hiền cho biết.

Ông Lưu Huy Hà, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hà (tỉnh Thái Bình):
Mỗi ngày có hàng nghìn xe Limousine vào Hà Nội

Khi các bến xe bị đẩy ra ngoài trung tâm khiến người dân tiếp cận phương tiện công cộng ngày càng khó khăn, bắt buộc người dân phải tìm phương tiện khác, tạo điều kiện cho “xe dù” phát triển. Khi Hà Nội chuyển tuyến Thái Bình về bến xe Nước Ngầm khiến hầu hết các DN tuyến cố định đã phá sản, từ đây xe hợp đồng trá hình, “xe dù, bến cóc” nở rộ.

Tôi không hiểu tại sao với hàng nghìn xe Limousine vào TP Hà Nội mỗi ngày, trong thời gian dài vẫn tồn tại được. Chỉ tính riêng ở Thái Bình, đã có 600 xe hợp đồng hoạt động theo hình thức trá hình. Nếu số xe này cộng với xe các tỉnh khác luồn lách các ngõ ngách của Thủ đô thì hạ tầng khó đáp ứng được. Xe tuyến cố định dần dần bị lu mờ, bến xe Giáp Bát trước đây đông đúc xe là thế nhưng hiện rất đìu hiu.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Thương mại và dịch vụ Đất Cảng:
Cần điểm đón trả khách xe tuyến cố định

Với tần suất 400 chuyến/ngày, xe Limousine không có “đất sống” trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Tuy nhiên, các DN cũng đang gặp nhiều khó khăn và muốn chuyển sang loại hình Limousine. Để cạnh tranh được với xe hợp đồng, cần chuyển một số tuyến cố định có tần xuất lớn thành xe buýt, hay nói cách khác là mượn hạ tầng của xe buýt phục vụ khách hàng tốt nhất. Trong khi chờ chuyển đổi này thì DN mong muốn có những điểm đón trả khách để phục vụ hành khách tốt nhất.

Tôi khẳng định 100% DN tuyến cố định vi phạm đón trả khách vì có vi phạm mới tồn tại được đến ngày nay. Chúng tôi mong muốn có điểm đón trả khách hợp pháp, phục vụ tốt người dân đi lại.

Ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Nam Định:
Nên cấm xe Limousine vào thành phố giờ cao điểm

Trên tuyến Hà Nội - Nam Định và ngược lại đã xuất hiện nhiều xe “trá hình” dưới hình thức hợp đồng, tự ý lập các điểm trả khách sai quy định. Đa số chủ xe là hộ kinh doanh cá thể, hoạt động manh mún, hàng trăm xe hàng ngày “đè” lên tất cả các “lốt” của tuyến cố định để gom khách, giành khách với xe tuyến cố định.

Cần rà soát phân loại xe hợp đồng thuần túy với xe hợp đồng trá hình hoạt động như tuyến cố định, ngăn chặn xử phạt nghiêm xe trá hình. Về lâu dài cần quy định màu biển số cho từng loại hình kinh doanh vận tải. Trước mắt, các thành phố lớn nên quy định giờ xe hợp đồng được vào thành phố, nên cấm xe Limousine vào thành phố giờ cao điểm.

T.Duy (Ghi)