Không để người dân chờ 3-4 ngày mới được xét nghiệm!

03/08/2020
Trong cuộc họp giao ban trực tuyến với Sở Y tế các địa phương và BHXH Việt Nam sáng ngày 2/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo nâng cao năng lực xét nghiệm, làm sao mọi người dân có yếu tố nguy cơ đều được xét nghiệm miễn phí.

Các địa phương được yêu cầu đẩy mạnh việc xét nghiệm những người có yếu tố nguy cơ mắc Covid-19 (Ảnh Bộ Y tế)

Thông tin tại cuộc họp cho biết, để ứng phó với tình hình dịch ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tung một lực lượng rất lớn chưa từng có trong tiền lệ, gồm nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong điều trị, xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm vào hỗ trợ thành phố.

Cùng với đó, Bộ Y tế gửi một loạt công điện, chỉ đạo gửi các địa phương để tăng tốc truy vết tất cả những người đã đi đến Đà Nẵng, xét nghiệm những người đến những điểm Bộ Y tế đã khuyến cáo, đồng thời phải giám sát chặt chẽ. Cần lưu ý, tính riêng trong 1 tháng qua, có khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng. Riêng khu vực 3 bệnh viện, có 800 nghìn lượt người đến đây.

Được biết, trong ngày 1/8, số lượng xét nghiệm cả nước đã cao hơn thời gian cao điểm nhất trong tháng 4/2020. Hiện năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng đã được nâng lên khoảng 8.000-10.000 mẫu/ngày, TP.HCM 8.000-9.000 mẫu/ngày, trong khi Hà Nội tối đa khoảng 3.000 mẫu/ngày (xét nghiệm PCR). 

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn xét nghiệm được thực hiện ở mọi cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Khi người dân có yếu tố nguy cơ đến các cơ sở này sẽ được xét nghiệm và BHYT chi trả cho người đó”

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng tốc hơn, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa trong vấn đề mở rộng xét nghiệm cho các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng với BHXH, BHYT (cả nước hiện có 2.500 đơn vị). 

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các cơ sở y tế có ký hợp đồng BHYT đều phải thực hiện việc xét nghiệm dưới nhiều hình thức. Đây có thể là cơ sở nhà nước, tư nhân, khối Y tế dự phòng, quân đội, thú y...

Ông Nguyễn Nam Liên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, hướng dẫn mới nhất về thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 đã nêu cụ thể, các trường hợp thuộc diện được thanh toán. Cụ thể là người bệnh thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và người nhiễm COVID-19 đang khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; các trường hợp được cơ sở y tế chỉ định thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do SarsCoV2 sẽ được bảo hiểm thanh toán.

Mục tiêu hiện nay là xét nghiệm càng nhiều người có nguy cơ càng tốt, không để người dân chờ đợi để được xét nghiệm (Ảnh Bộ Y tế)

Mức giá thanh toán với dịch vụ số 1735, thực hiện xét nghiệm vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng bằng phương pháp Real-time PCR có mức giá là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm. Dịch vụ số 1736, thực hiện xét nghiệm vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng bằng phương pháp test nhanh mức giá thanh toán sẽ là 238.000 đồng/mẫu xét nghiệm.

Liên quan tới các kiến nghị của Hà Nội, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội chủ động tập huấn về an toàn sinh học cho tất cả các đơn vị trên địa bàn, không đợi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Về vấn đề test nhanh, quyền Bộ trưởng cũng khẳng định Trung ương không cấp test nhanh, mà khuyến khích làm xét nghiệm PCR. 

Tất cả những đơn vị có ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm này. Về vấn đề giá, Hà Nội tự hướng dẫn các đơn vị mua sắm sinh phẩm để xét nghiệm, không mua tập trung. Các địa phương khác cũng cần chủ động trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, không chờ đợi.

Quyền Bộ trưởng cũng lưu ý: “TP.HCM, một địa phương có nguy cơ cao, không được để tình trạng tình trạng người dân gọi điện đến cơ sở A, cơ sở B để được xét nghiệm nhưng phải đợi 3-4 ngày. Nơi nào đã có đủ máy móc, trang thiết bị thì có thể triển khai làm xét nghiệm SarsCoV2. Trường hợp phát hiện dương tính sẽ chuyển mẫu đến Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để khẳng định”.

Các đối tượng cách ly y tế và được chỉ định xét nghiệm sẽ được bảo hiểm thanh toán chi phí xét nghiệm (Ảnh Bộ Y tế)

Cũng tại cuộc họp giao ban, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho hay, ngành BHXH luôn tích cực và đồng hành với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch.

“Các địa phương cần thống kê ngay các cơ sở y tế có đủ năng lực xét nghiệm cả PCR và test nhanh để thông báo cho cơ quan BHXH địa phương để cơ quan BHXH nắm được, từ đó chủ động trong việc có thể phối hợp thực hiện”, ông Phạm Lương Sơn nói.

BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các địa phương thực hiện theo đúng công văn của Bộ Y tế và hướng dẫn các địa phương tạm thời có 2 mã thanh toán cho 2 chi phí xét nghiệm 1735 và 1736, hiện đã cập nhật trên hệ thống giám định để có thể thanh toán tạm ứng cho các cơ sở y tế.

Chia sẻ với những băn khoăn của các Sở Y tế về việc mua sắm, đầu thấu vật tư, tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng lưu ý các cơ sở khám chữa bệnh phải hoàn toàn có thể tham khảo giá của các lần đấu thầu trước để có sự phù hợp. Về vấn đề chênh lệch giá khi đấu thầu, các địa phương cần chủ động báo cáo chính quyền địa phương để hỗ trợ một phần./.