Đưa Grab, Uber vào khuôn khổ để cạnh tranh công bằng

06/11/2017
 

Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cần ngồi lại với nhau để thống nhất cách quản lý Uber, Grab, không nên thí điểm quá lâu.

Bất kể doanh nghiệp (DN) nào đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật về thuế ở Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng thống nhất xử lý dứt điểm chuyện tranh cãi giữa taxi truyền thống và Grab, Uber để tạo ra sự bình đẳng trong kinh doanh.

Đây là quan điểm của ông Đặng Duy Khanh, Vụ phó Vụ Thanh tra thuế (Tổng cục Thuế), khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về quản lý thuế đối với taxi truyền thống và Uber, Grab.

Có dấu hiệu bất bình đẳng

. Phóng viênThời gian qua, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra các DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi. Ông thấy có vấn đề nào nổi lên?

+ Ông Đặng Duy Khanh: Qua công tác thanh tra thuế ở các DN taxi có thể thấy số lượng do DN hoạt động trong lĩnh vực này không giảm, nhất là tại địa bàn Hà Nội, TP.HCM. Số lượng DN taxi tăng nhưng chủ yếu họ bán lại xe cho các cá nhân dưới danh nghĩa trả góp (giá chênh cao hơn thị trường), thu phí dịch vụ thuê xe, tổng đài, bộ đàm, đồng hồ, logo…, còn lại các tài xế tự làm, không ai kiểm soát. Các DN này chỉ kê khai thuế phần thu từ dịch vụ mà không theo nguồn thu thực tế từ tài xế.

Trong khi đó, một số DN làm ăn đàng hoàng, kê khai rõ ràng, minh bạch như Vinasun chiếm số ít. Vinasun hoạt động đúng nghĩa kinh doanh vận tải taxi. Qua thanh tra, chúng tôi thấy DN này hoạt động rất bài bản, tuân thủ pháp luật về thuế. Việc kê khai thuế tính theo doanh thu thực, năm 2016 họ nộp ngân sách hơn 550 tỉ đồng.

Hai câu chuyện trên cho thấy cách quản lý nội tại taxi truyền thống cũng đang có vấn đề.

Đưa Grab, Uber vào khuôn khổ để cạnh tranh công bằng - ảnh 1

Taxi truyền thống đã từng phản đối Grab, Uber vì cho rằng họ bị đối xử thiếu công bằng. Ảnh: VIẾT LONG

Cũng cần nói thêm, chuyện kinh doanh lỗ lãi của các hãng taxi truyền thống cần được phân tích, bóc tách rõ. Bởi ngoài kinh doanh vận tải, các DN này còn kinh doanh ngoài ngành như bất động sản, bán vé máy bay, kinh doanh tài chính… Có DN tính chung cả năm lỗ nhưng kinh doanh taxi lại lãi.

. Mới đây, cơ quan thuế đã công bố tình hình lỗ lãi và nộp thuế của Grab, Uber. Các DN này nộp thuế chỉ vài chục tỉ đồng trong khi doanh thu hàng ngàn tỉ đồng. Ông đánh giá thế nào?

+ Theo tôi, việc so sánh doanh thu, lỗ lãi, nộp thuế giữa taxi truyền thống và Uber, Grab cần được nhìn nhận nhiều chiều và dựa vào doanh thu thực. Hiện nay việc quản lý thu thuế có sự khác biệt giữa các loại hình kinh doanh. Chẳng hạn như với Uber được xác định nguồn thu chuyển về trụ sở ở Hà Lan, thu thuế theo dạng thuế nhà thầu (doanh thu Uber được hưởng và yêu cầu DN này nộp thuế thay cho lái xe) trong khi Grab mở trụ sở tại Việt Nam nên áp dụng chính sách thu nội địa. Điều này có thể thấy về quy mô, bản chất hoạt động của hai DN này như nhau nhưng chính sách thuế có sự khác biệt.

Hay như giữa taxi truyền thống và Uber, Grab cũng khác nhau. Taxi truyền thống có logo, không được chạy vào đường cấm taxi, còn Uber và Grab được vào đường cấm taxi. Rõ ràng Grab, Uber có lợi thế cạnh tranh hơn, dấu hiệu bất bình đẳng trong kinh doanh bắt đầu xuất hiện.

Không nên thí điểm quá lâu

. Những bất cập trên sẽ tạo ra hệ lụy gì với thị trường và xã hội, thưa ông?

+ Một điều đáng chú ý, hiện tại loại hình kinh doanh Uber, Grab đang được thí điểm và DN đang báo lỗ. Vậy vấn đề đặt ra là khi kết thúc thí điểm, ai sẽ chịu trách nhiệm về số lỗ này; hệ lụy đối với người lao động, thậm chí khiến các DN phá sản. Hay như dư luận có thể đặt dấu hỏi tại sao Uber, Grab lại chấp nhận lỗ như vậy, họ có mục đích gì không?

Liệu Grab, Uber sẽ giống các hãng nước ngọt của nước ngoài khi vào Việt Nam hay không? Họ chấp nhận lỗ hàng trăm tỉ đồng thời gian đầu nhưng lâu dài họ sẽ thống lĩnh thị trường khi các hãng taxi nội địa sập tiệm, phá sản. Khi đó Uber, Grab sẽ làm chủ thị trường. Đây cũng là điều cần được cơ quan quản lý về vận tải suy ngẫm, đưa ra giải pháp xử lý vấn đề sớm, tránh tình trạng kéo dài sẽ gây hệ lụy cho DN trong nước, gây thất thu ngân sách.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần xác định rõ cơ chế, hình thức kinh doanh, chính sách áp dụng để có cơ sở tính thuế hợp lý. Chúng ta cần có một “nhạc trưởng” cầm trịch giải quyết vấn đề này vì hiện nay các bộ, ngành đều có ý kiến, cách hiểu khác nhau về Uber, Grab. Theo tôi, mục đích cuối cùng là tạo ra sân chơi bình đẳng cho các DN taxi truyền thống và taxi công nghệ. Do vậy, Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cần ngồi lại với nhau để thống nhất cách quản lý Uber, Grab, không nên thí điểm quá lâu.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải hiện còn nhiều bất cập. Cơ quan quản lý chưa kịp thời ban hành quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải; nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải chậm sửa đổi… Điều đó khiến những vấn đề nóng chậm được xử lý, ví dụ như việc cho thí điểm Uber, Grab. Vì sao cơ quan thẩm quyền ở trung ương vẫn chưa thể hiện quan điểm, chính kiến mà để địa phương tự quyết định? Có ý kiến thắc mắc vì sao thời gian cho thí điểm kéo dài, do thận trọng hay lý do gì khác?

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về kinh tế-xã hội 2017 ngày 2-11 

Phải có ràng buộc với Uber, Grab

. Ông có đề xuất nào để đảm bảo thu ngân sách, bình đẳng trong tính thuế và tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh sòng phẳng với các loại hình kinh doanh trên?

+ Theo tôi, cơ quan chức năng cần yêu cầu Uber kê khai, nộp thuế tại Việt Nam. Uber và Grab có tính chất hoạt động như nhau nên chính sách thuế cũng cần như nhau. Uber phải thành lập một pháp nhân theo Luật DN tại Việt Nam và phải mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam để đảm bảo được sự quản lý nhà nước của cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan thuế.

Khi thành lập pháp nhân tại Việt Nam, Uber phải thực hiện kê khai nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ, thuế thu nhập DN (TNDN) theo kê khai. Doanh thu kê khai nộp thuế GTGT, thuế TNDN là toàn bộ doanh thu cước vận chuyển. Uber sẽ là người lập hóa đơn trên toàn bộ doanh thu cho khách hàng.

Với Grab, để thuận lợi trong công tác quản lý thuế, phần doanh thu kê khai, nộp thuế là toàn bộ cước vận chuyển thu được. Các đối tác khi nhận tiền từ hoạt động hợp tác vận tải với Grab phải lập hóa đơn cho Grab để đơn vị này làm căn cứ kê khai thuế GTGT đầu vào, chi phí được trừ.

Đối với taxi truyền thống, cơ quan thuế đề nghị các hãng taxi này phải nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế. Kê khai doanh thu nộp thuế là toàn bộ doanh thu thực tế khách hàng thanh toán theo đồng hồ.

. Xin cám ơn ông.

Thuế khoán của Uber trên doanh thu chỉ là 4,6%

Theo Thông tư 103/2014 của Bộ Tài chính, Uber BV sẽ có nghĩa vụ nộp vào ngân sách nhà nước 3% thuế GTGT và 2% thuế TNDN trên tổng doanh thu có được nhờ hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Uber BV cung cấp giải pháp công nghệ cho các tài xế ở Việt Nam nhưng lại thu về 100% tiền cước (khi khách hàng thanh toán qua tài khoản ngân hàng). Sau đó, tiền mới được DN Hà Lan này chuyển cho người lái xe. Khoản thuế mà hai bên phải nộp lại được Uber BV ủy quyền và nộp thông qua Uber Việt Nam.

Trong khi Uber chịu thuế suất trên doanh thu thì taxi truyền thống bị áp thuế TNDN 20% trên lợi nhuận. Năm 2016, số thuế GTGT mà Vinasun phải nộp khoảng 243 tỉ đồng, thuế TNDN khoảng 79 tỉ đồng, trên tổng doanh thu khoảng 4.400 tỉ đồng. Nếu tính mức thuế trên doanh thu, thuế suất sẽ là 7,2%. Trong khi đó, nếu tính theo mức thuế khoán của Uber thì mức đóng trên doanh thu sẽ là 4,6%.

Theo TRÀ PHƯƠNG/Pháp luật TPHCM thực hiện