Dự án BOT giao thông, bao giờ sẽ hết nhập nhằng?

16/08/2017
 
Các tài xế và người dân tập trung phản ứng tại trạm thu phí Cai Lậy vào tối 13.8. Ảnh: P.V
Dù Bộ GTVT khẳng định đã và sẽ xử lý bất cập bằng cách giảm phí một số dự án hay ngừng thu phí như tại trạm Tào Xuyên do đã “đủ lãi”, nhưng vụ lùm xùm tại trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang những ngày qua vẫn khiến dư luận đặt câu hỏi bao giờ các dự án BOT mới hết nhập nhằng?

Xây tuyến này, đặt trạm tuyến khác

Trong những ngày qua, trạm thu phí Cai Lậy trở thành tâm điểm của sự chú ý khi nhiều lái xe “chơi chiêu” mang cả tập tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng để trả tiền thu phí qua trạm. Lý do phản đối trạm do phí cao và vị trí trạm không đúng chỗ.

Trên thực tế câu chuyện ở trạm thu phí Cai Lậy không mới bởi những vụ việc từng “nóng” trong thời gian qua như trạm BOT Tam Nông (Phú Thọ), trạm thu phí Thanh Nê (Thái Bình), trạm Lương Sơn (Hòa Bình) hay trạm thu phí cầu Bến Thủy 1, 2 (Nghệ An). Thậm chí, có trạm thu phí mới xây đã bị phản đối và xây xong chưa thu phí cũng vẫn tiếp tục bị phản ứng ở dự án Thái Nguyên - Chợ Mới. Vấn đề của các dự án này là chủ đầu tư chỉ “tráng lại” mặt đường cũ rồi thu phí bằng giá mặt đường mới hoặc xây đường mới nhưng không có khả năng hoàn vốn hoặc khó mang lại lãi nhanh hoặc lãi đủ cho chủ đầu tư nên tút lại đường cũ và thu phí cả đường mới lẫn đường cũ.

Hai điểm gây bức xúc nhất với người dân là vị trí đặt trạm - thường theo hướng có lợi nhất cho quá trình hoàn vốn và mức phí.

Điều đáng nói là trạm thu phí không bỗng dưng mọc ra, mọi dự án đều trải qua rất nhiều quy trình với hàng chục chữ ký cũng như cái gật đầu. Thế nhưng sự bức xúc vẫn tồn tại và còn có nguy cơ xuất hiện, ngay cả các địa phương vốn có phần trách nhiệm trong cái gật đầu khi làm đường xây trạm thu phí cũng có ý kiến khi người dân phản đối như việc UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất giảm phí cho trạm thu phí Cai Lậy. Câu hỏi đặt ra là UBND tỉnh bị “ép” đồng ý với mức phí và vị trí trạm hay trước “gật” sau “lắc” và trách nhiệm của những vụ lùm xùm này thuộc về ai?

Đã minh bạch nhưng chưa đủ

Trao đổi với Báo Lao Động, một lãnh đạo Bộ GTVT từng than thở khi lên phương án xây dựng, trong đó có cả phương án tài chính cũng như vị trí đặt trạm, mọi bên đều đồng ý nhưng khi đi vào hoạt động người dân không đồng tình, một số địa phương lại đổi quan điểm. Người này cũng cho rằng, Bộ GTVT đã và luôn cố gắng minh bạch các dự án BOT giao thông khi chủ động mời kiểm toán vào cuộc “soi” các dự án rồi công khai các thông tin dự án trên website của bộ cũng như xử lý các bất cập xảy ra.

Ngày 8.8, Bộ GTVT cũng công bố thực trạng xử lý bất cập tại các dự án BOT giao thông như đã thỏa thuận quyết toán 51 dự án, đàm phán điều chỉnh thời gian thu phí của 23 dự án và đang tính toán điều chỉnh phương án tài chính của 28 dự án theo hướng ưu tiên giảm mức phí so với dự kiến trước đây.

Bất cập về giá của 4 dự án từng lùm xùm được xử lý theo hướng giảm phí cho người dân địa phương; 5 dự án khác cũng đang được điều chỉnh hay Bộ GTVT tạm ngừng thu phí tại trạm Tào Xuyên sau khi xác định chủ đầu tư đã thu đủ lãi trước thời hạn hơn 20 năm bất chấp ý kiến phản đối của đơn vị này. Dù đã nỗ lực nhưng một số chuyên gia nhận định, Bộ GTVT dường như mới xử lý phần ngọn của vấn đề và là chưa đủ nên những câu chuyện như tại trạm thu phí Cai Lậy đã và sẽ vẫn xảy ra.

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, vẫn có sự thiếu minh bạch trong việc sử dụng quỹ bảo trì đường bộ và việc xây tuyến này thu tiền tuyến khác là không được. Phân tích về câu chuyện trạm thu phí Cai Lậy, ông Sanh cho rằng, việc Bộ GTVT để Cty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) tiến hành duy tu, sửa chữa quốc lộ 1 bằng vốn BOT trên một số đoạn rồi đặt trạm thu phí tại đây là trái nguyên tắc và có sự nhập nhằng vì việc nâng cấp, sửa chữa QL1 đã có quỹ bảo trì đường bộ. Và từ sự bất hợp lý trên, chủ đầu tư mới đặt trạm thu phí trên quốc lộ dẫn đến tình trạng thu phí cao, người dân bức xúc.

 

Trao đổi với Báo Lao Động về các vấn đề của trạm thu phí Cai Lậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đang giải quyết triệt để các bất cập tại trạm thu phí Cai Lậy. Nhận xét về việc nhiều tài xế trả tiền lẻ và cho tiền vào chai lọ tại khu vực trạm thu phí Cai Lậy, ông Huyện cho rằng hành vi đó là không được.

 

Kiến nghị giảm giá thu phí trạm Cai Lậy
Trước tình trạng các tài xế phản ứng dữ dội trạm thu phí Cai Lậy, ngày 14.8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã có buổi làm việc với Sở GTVT Tiền Giang… Theo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, đỉnh điểm vụ việc là vào khoảng 16h30 ngày 13.8, có hàng chục xe ở cả hai chiều mang tiền lẻ để qua trạm, gây ùn tắc và một vài tài xế có hành vi cản trở giao thông gây ùn tắc khoảng 3km và mất an ninh trật tự tại trạm thu phí. Lúc này, chủ đầu tư đã tiến hành xả trạm khoảng 30 phút thì tình hình đã ổn định. Đến 20h cùng ngày, đoàn xe nói trên quay lại và tiếp tục gây ùn tắc giao thông. Nhà đầu tư tiếp tục đã xả trạm lần 2 đến 0h ngày 14.8 thì thu phí lại. Tại cuộc họp, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang Trần Văn Bon cho rằng: Sở kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ xem xét giảm mức giá của dự án nhằm giảm chi phí hàng hoá. Ngoài ra, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang kiến nghị miễn giá dịch vụ sử dụng qua trạm Cai Lậy đối với các phương tiện không kinh doanh vận tải và chủ phương tiện tại các xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú, và Phú An. Giảm 50% giá vé cho các phương tiện kinh doanh vận tải và chủ phương tiện tại 4 xã nói trên và xe buýt có lộ trình qua trạm. Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam - cho biết: Đây là chuyến làm việc nhằm ghi nhận những kiến nghị, thắc mắc của địa phương, qua đó có phương án giải quyết theo thẩm quyền và đề xuất báo cáo Bộ GTVT… Việc nhà đầu tư đã đầu tư tuyến tránh Cai Lậy thì được phép thu phí. Nhưng phải đảm bảo theo ba nguyên tắc, xử lý hài hoà giữa việc đảm bảo thu hồi vốn theo hợp đồng đã ký giữa cơ quan nhà nước với chủ đầu tư, đảm bảo lợi ích của người dân và đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông và thông suốt cho toàn tuyến. TR.L
KHÁNH HOÀ.
theo laodong.com.vn