Ông Huỳnh Kim Lập - Chủ tịch HĐQT Thiên Tân Group:Cơ chế cho phát triển năng lượng tái tạo

Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ đã bước đầu giải được bài toán đầu ra cho điện mặt trời và tạo cơ chế thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.

Đây cũng là động lực, cơ sở quan trọng để Thiên Tân đưa Dự án điện mặt trời tại Mộ Đức (Quảng Ngãi) - nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam có tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng đi vào hoạt động và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện mặt trời của Thiên Tân tại tỉnh Ninh thuận.

Năng lượng mặt trời là một nguồn năng lượng quan trọng trong tương lai, các nhà khoa học sẽ đưa ra những công nghệ lưu trữ điện có giá thành thấp thì điện năng lượng mặt trời sẽ là một nguồn năng lượng vô cùng thiết thực. Riêng ở Việt Nam, chúng tôi mong muốn Chính phủ xem xét có cơ chế riêng cho việc đền bù đất để giảm giá thành trong việc triển khai đầu tư các dự án điện mặt trời và EVN quan tâm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đấu nối lưới và mua điện cho nhà đầu tư điện mặt trời. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ cần được đưa vào là đối tượng được ưu tiên xem xét hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất vay vốn... Qua đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Bà Ninh Thị Ty – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP May Chiến Thắng: Chính phủ đã thực sự hành động

Có thể nói, ngay sau khi Chính phủ mới được hình thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có tuyên bố được DN, Doanh nhân và người dân trông đợi và kì vọng: “Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính”.

Mặc dù còn bộn bề khó khăn và nhiều vấn đề bức xúc cần sớm được giải quyết, song có thể khẳng định, bộ máy mới của Chính phủ đã vận hành nhịp nhàng, đáp ứng thực tiễn và đòi hỏi của xã hội. Bên cạnh việc làm tốt công tác điều hành, chỉ đạo ở tầm vĩ mô, Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã sâu sát, lắng nghe ý kiến của người dân, của báo chí và có những chỉ đạo cụ thể từng lĩnh vực. Đặc biệt, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố "Kiên quyết xóa lợi ích nhóm chi phối chính sách", thể hiện sự thẳng thắn - “dám nói” của một vị đứng đầu Chính phủ, là sự thừa nhận thực trạng báo động khẩn vì “những giấy phép con”, “những cây đinh dưới tấm thảm đỏ” gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, SXKD. Trên tinh thần tạo điều kiện cho người dân và DN, kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách, Chính phủ đã thực sự khẳng định “Chính phủ hành động”.

Nguyễn Văn Đoàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn và Xây dựng Việt Nam: Thủ tục hành chính làm mất cơ hội đầu tư

Tuy Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, quyết liệt đổi mới môi trường kinh doanh, tạo lòng tin cho doanh nghiệp, nhưng khoảng cách từ Nghị quyết đến thực thi thực tế còn rất xa. Các Bộ, Ban ngành triển khai trong thực tiễn còn rất chậm. Đơn cử như việc cải cách thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, bên cạnh đó không có văn bản hướng dẫn cụ thể, làm cho doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, mất thời gian, tốn kém chi phí vào những khoản chi không chính thức. Các giấy phép con quá nhiều, thời gian cấp phép vẫn còn kéo dài. Ví dụ, để xin được một giấy phép con trong xây dựng nhanh thì cũng phải mất vài tháng không thì phải cả năm mới xong. Đặc biệt, có dự án hơn 10 năm mà vẫn chưa xong làm mất đi cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Có những dự án xong thủ tục hành chính, đủ điều kiện khởi công thì bị lỡ mất thời cơ, thị trường… 

Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn còn thiếu thông tin về các dự án, quy định, các văn bản giấy tờ liên quan. Vì vậy, Chúng tôi mong rằng Chính phủ cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Kosy:Quan hệ Chính phủ và doanh nghiệp nên chuyển thành đối tác

Doanh nghiệp được sinh ra đã có tâm huyết và khát khao cống hiến cho sự nghiệp. Vì thế, không còn lựa chọn nào khác là hành động để kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, hiện tại những thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, chính sách thuế, bảo hiểm, tiếp cận vốn, cấp visa… đang là những rào cản hạn chế sự phát triển chung của các doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp phát triển, tiến tới cần phải cắt giảm, xóa bỏ những rào cản này.
Hiện nước ta đang có gần 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, do vậy Chính phủ có thể miễn thuế hoàn toàn với các dự án, các doanh nghiệp khởi nghiệp; tạo môi trường và những cơ chế hỗ trợ phù hợp, mang tính thúc đẩy hỗ trợ họ nhiều hơn.

Quan trọng nhất, trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp nên được đẩy mạnh lên thành một quan hệ đối tác. Bởi vì chính doanh nghiệp là những đầu mối có thể tiếp cận nhanh nhất với các thành tựu phát triển toàn cầu và vì thế có thể mang những thành tựu đó phát triển lên, làm chủ công nghệ để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Ông Trần Ngọc Thành - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh Miền Trung: Khát vọng dẫn đầu

Chính phủ hiện nay đang truyền một thông điệp tương đối mạnh mẽ trong vấn đề về xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, về giảm thủ tục hành chính cũng như hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp để từ đó doanh nghiệp “bung sức” tối đa trong đầu tư, doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, dạn dĩ hơn so với giai đoạn trước đây.

Về phía bản thân doanh nghiệp, chắc chắn trong vòng từ 5-10 năm tới, đông đảo các doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam. Lúc đó, các doanh nghiệp lớn – hay còn gọi là leader về phân khúc ngành với khoảng 4-5 doanh nghiệp sẽ chiếm từ 80-90% thị phần và một dự án của họ có thể thay đổi quy mô cuộc chơi một cách đơn giản.

Do đó, theo tôi, các doanh nghiệp, nhất là trong ngành bất động sản, không còn cách nào khác là phải thay đổi về quy mô: quy mô về vốn, về đầu tư, phương thức đầu tư theo hướng tổng thể hơn, dài hạn hơn... để dần dần trở thành leader của thị trường. Nếu anh không phải là số 1,2 hoặc 3 thì ít nhất cũng phải số 4 hoặc số 5. Cùng với đó, phải nỗ lực tìm kiếm và tạo ra hiệu quả tài chính lành mạnh cho các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh, tạo ra được lợi ích kinh tế cho cộng đồng – tức phát triển theo mục tiêu win – win.

Ông Đặng Quốc Tuấn – Phó Chủ Tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ Điều Hành Tập đoàn Việt- Úc: Con tôm cần hỗ trợ để hiện thực hoá mục tiêu 10 tỷ USD

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng từng đặt mục tiêu cho ngành phải phấn đấu đóng góp được 10 tỷ USD trước năm 2025 vào GDP Quốc gia. Đồng thời tin tưởng mục tiêu này có thể đạt được, đưa Việt Nam trở thành công xưởng tôm chất lượng cao của thế giới. Tuy nhiên, muốn nâng cao giá trị gia tăng cho ngành tôm và định vị được con tôm Việt Nam trên thế giới, phải nâng cao giá trị gia tăng của tôm và hướng tới sản xuất bền vững. Trong đó, công nghệ cao phục vụ sản xuất chính là vấn đề cốt lõi nhất, đặc biệt là công nghệ về tôm bố mẹ.

Thực tế, là nước đứng thứ 3 về xuất khẩu tôm của thế giới, nhưng Việt Nam vẫn gần như lệ thuộc vào tôm bố mẹ nhập từ nước ngoài như Mỹ, Singapore và Thái Lan. Do đó, Chính phủ cần có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, có thể là hỗ trợ vốn, xúc tiến thương mại, giảm thuế…cho doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất con giống, tự chủ công nghệ sản xuất tôm bố mẹ và thức ăn. Đồng thời, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn trong sản xuất tôm giống, từ chất lượng tôm bố mẹ đến các điều kiện an toàn dịch, quy trình sản xuất…

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC: Điểm cộng cho môi trường kinh doanh

Có thể nói, động thái quyết liệt cắt bỏ nhiều giấy phép con của Chính phủ và các bộ, ngành mới đây đã xóa bỏ hàng rào ngăn cản hoạt động sản xuất - kinh doanh lành mạnh của cộng đồng doanh nghiệp. Những giấy phép con phi lý thì chắc chắn sẽ không thể tồn tại lâu dài trong hệ thống của một Chính phủ kiến tạo.

Trước đây, nhiều giấy phép con là rất khó giải thích, đặc biệt với các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế. Khi tư vấn pháp lý cho các khách hàng nước ngoài, đây là vấn đề “tế nhị” và đau đầu nhất của giới luật sư trong nước. 
Hệ thống văn bản pháp quy tầm cao của chúng ta, như hệ thống luật, được đánh giá là khá tiến bộ, đã tiệm cận quy chuẩn, thông lệ của các nước phát triển. Nhưng trong quá trình cụ thể hóa, đôi khi chúng đã bị các cơ quan hành pháp vận dụng một cách… linh hoạt thành các thủ tục rườm rà, không cần thiết, thậm chí vô lý.

Là người làm kinh doanh, tôi rất mừng khi Chính phủ quyết liệt cắt giảm giấy phép con. Bởi đối với doanh nghiệp, các quy trình hành pháp bất hợp lý cũng có thể xem là một dạng chi phí vô hình. Chúng làm tiêu hao cả vật chất, thời gian và cả động lực tinh thần của doanh nghiệp, nhưng lại hầu như không được hạch toán trên sổ sách, không được tính là chi phí hợp lý, và gây ảnh hưởng đến những cố gắng minh bạch của doanh nghiệp.

Động thái cắt giảm giấy phép con của Chính phủ không chỉ nhận được sự ủng hộ từ trong nước mà cả quốc tế. Trong lần tiếp xúc với đông đảo nhà đầu tư Nhật Bản gần đây, tôi nhận được rất nhiều lời đánh giá cao của họ với động thái của Chính phủ Việt Nam. Họ coi đây là một điểm cộng cho những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế của Chính phủ.

Ông Lưu Huy Hà – Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty CP Hoàng Hà: Doanh nghiệp cần nhất chính sách ổn định

Trong bối cảnh hiện nay, 3 yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển hội nhập kinh tế thế giới. Cụ thể là cơ chế chính sách, vốn và cạnh tranh. Trong đó, tôi cho rằng, yếu tố cơ chế chính sách là quan trọng nhất, bởi chính sách quyết định sự đầu tư sản xuất kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh… Chính sách thay đổi có thể khiến doanh nghiệp phát tài, ngược lại có thể khiến doanh nghiệp phá sản. 

Hiện nay các Bộ, tỉnh thành trong cả nước đang quyết liệt thực hiện chủ trương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết tâm xây dựng Chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển và phục vụ. Cụ thể, chính quyền các cấp đang rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính điều kiện kinh doanh như Bộ Công Thương cắt giảm 675 thủ tục chiếm 55,5% các điều kiện kinh doanh. Tuy vậy, vấn đề thực thi để doanh nghiệp hưởng thụ còn cần có thời gian. Mặt khác, việc cải cách thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, chưa có văn bản kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp, người dân, khiến doanh nghiệp người dân phải đi lại mất rất nhiều thời gian, tốn kém chi phí vào những khoản chi không chính thức. Ngoài ra, các giấy phép con quá nhiều, thời gian cấp phép vẫn còn kéo dài mất vài tháng, thâm chí cả năm khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh. Bên cạnh đó, sự minh bạch thông tin về các dự án, cơ chế chính sách, quy hoạch…còn hạn chế. Để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho doanh nghiệp tôi cho rằng, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế chính sách ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hội nhập.

Ông Đường Trọng Khang – P.Chủ tịch HHDN tỉnh Vĩnh Phúc:Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Tạo bình đẳng mặt bằng sản xuất 

Theo khoản 3 - Điều 11: Việc hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện thông qua nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghiệp cao, cụm công nghiệp. Điều này thực hiện khá phức tạp, có khi nhà nước mất tiền để hỗ trợ nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa không được thụ hưởng mà số tiền đó chảy vào túi của nhà đầu tư hạ tầng. Lý do là hiện nay nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương không kiểm soát được giá thành và giá cho thuê mặt bằng của nhà đầu tư, việc này do nhà đầu tư hạ tầng quyết định, khi thấy nhà nước có chủ trương hỗ trợ giá thuê mặt bằng, họ tìm cách đẩy giá thành (giá khống) và giá cho thuê mặt bằng lên. Cuối cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tưởng rằng được nhà nước hỗ trợ giá nhưng thực chất không được hỗ trợ gì ( hoặc nếu có được thì rất ít), và tiền chảy vào túi nhà đầu tư hạ tầng. Vì vậy, việc hỗ trợ giá thuê mặt bằng nên hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách giảm trừ tiền thuê đất (đất thô chưa có phí hạ tầng).

Ngoài ra, theo nội dung tại khoản 1, khoản 2 (Điều 11) chỉ quy định hỗ trợ giá thuê mặt bằng trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp. Nhưng thực tế hiện nay và tiếp tục sau này nữa, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thuê đất của nhà nước ngoài khu công nghiệp, ngoài cụm công nghiệp (để phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh - dịch vụ của doanh nghiệp). Nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa này không được hỗ trợ về giá thuê đất thì sẽ thiếu công bằng. Vì vậy, luật nên quy định các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, ngoài cụm công nghiệp cũng được hỗ trợ.

Ông Trần Đức Nguyên- Giám đốc công ty TNHH Ngôi Sao Biển: Chính sách cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Mặc dù số lượng tăng nhanh, nhưng có thể nói, trình độ phát triển của kinh tế tư nhân đất nước còn hạn chế, do nhiều nguyên nhân. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, manh mún, không có khả năng liên kết tập trung. Quản trị nội bộ của nhiều doanh nghiệp còn yếu, thiếu chiến lược và kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính còn thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, hệ thống hành chính phức tạp, khiến doanh nghiệp tốn thêm các chi phí và thời gian không chính thức, và doanh nghiệp tư nhân càng kém cạnh tranh hơn. 

Vấn đề mấu chốt hiện nay để phát triển kinh tế tư nhân là tạo ra môi trường bình đẳng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân, giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân. Ở nhiều nước, cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ phải tìm kiếm, phát hiện những gì gây cản trở để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo sự công bằng. Nhưng với doanh nghiệp Việt Nam, điều này còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp khi khó khăn không biết kêu ở đâu, hoặc có kêu thì cũng không được giải quyết.

Thời gian qua, Nhà nước đã động viên, khích lệ với doanh nghiệp khởi nghiệp rất nhiều nhưng cơ chế cụ thể để hỗ trợ lại chưa rõ ràng. Để khuyến khích khởi nghiệp, Chính phủ cần có những chính sách cụ thể. Ví dụ, thực hiện chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, cần có chính sách về tín dụng như bảo lãnh tín dụng và các quỹ hỗ trợ vay vốn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn đầu thành lập.

Ông Lưu Văn Quảng – TGĐ TCty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc: Mạnh dạn đặt niềm tin, giao quyền chủ động

Trên cương vị được giao quản lý điều hành toàn bộ DN, tôi đã cùng tập thể lãnh đạo TCty nhanh chóng ổn định về mặt quản lý sản xuất và tổ chức của DN, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, đơn vị thành viên và khối văn phòng. Việc bố trí cán bộ ở các đơn vị, phòng ban phù hợp, quan tâm sử dụng cán bộ trẻ, có năng lực đã phát huy tác dụng tốt trong công tác quản lý và sản xuất của DN. Tôi đã mạnh dạn đặt lòng tin và giao quyền chủ động, để các đồng chí lãnh đạo phát huy hết khả năng sáng tạo trong quản lý điều hành sản xuất của mình.
Mặc dù hoạt động nơi đầu sóng ngọn gió, thời tiết khắc nghiệt, nhưng công tác quản lý, vận hành đèn biển, luồng tàu biển và khảo sát ra thông báo hàng hải ngày càng tiến bộ, đảm bảo chính xác, kịp thời phục vụ cho những người đi biển. Đến nay người lao động trong toàn Cty đã thực sự coi trạm đèn, trạm luồng, con tàu như ngôi nhà thứ hai của mình.

Trong giai đoạn 2014-2016, các sự cố hàng hải xảy ra trên luồng đều được giải quyết kịp thời, nhanh chóng, không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông, không có tai nạn hàng hải nào xảy ra có liên quan tới công tác quản lý báo hiệu hàng hải và khảo sát thông báo hàng hải gây ra, kịp thời cung cấp cho người đi biển những thông tin chính xác tin cậy.

Bà Tạ Thu Thủy - Giám đốc Cty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng: Đối mặt với biến động

Năm 2014 - 2017, Cty gặp không ít khó khăn do sự biến động của nền kinh tế, sự tăng giá của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào; sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm cùng loại trong và ngoài nước và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm bia. Nhưng với sự nỗ lực của bản thân, Ban lãnh đạo, cùng tập thể người lao động trong Cty đã khắc phục tốt mọi khó khăn. Cty đã bảo đảm tỷ lệ tăng trưởng về doanh thu, mở rộng sản xuất, bảo đảm đủ công ăn việc làm cho khoảng 300 cán bộ công nhân viên chức, người lao động với mức thu nhập khá.

Nhằm nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm bia các loại của Cty, tôi đã chỉ đạo triển khai giai đoạn hai của dự án: “Đầu tư và di dời khu vực sản xuất của nhà máy Bia số 1 - số 16 Lạch Tray sang nhà máy Bia số 2 - Quán Trữ”. Sau khi di dời, Cty không chỉ đáp ứng yêu cầu sản xuất bia chai Hà Nội mà còn cung cấp cho thị trường các loại sản phẩm bia chai, bia hơi, thương hiệu Hải Phòng có chất lượng cao, các sản phẩm mới thuộc dòng bia cao cấp, bia lon Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Đồng thời, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động trong Cty cũng như tạo việc làm cho hàng ngàn lao động khác trong hệ thống các kênh phân phối sản phẩm bia của Cty, thực hiện tốt cam kết bảo vệ môi trường (xanh, sạch, an toàn) và phát triển bền vững.