Để đón Tết, vui Xuân an toàn: Phải quyết tâm tuyên chiến với “ma men”

18/01/2020
Theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020, Thủ tướng chỉ đạo: Tổ chức ra quân thực hiện năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu bia - Không lái xe”.
 Vấn nạn “ma men” lái xe

Câu chuyện “ma men sau tay lái” luôn là nỗi ám ảnh thường trực đối với mỗi người, đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Trên thực tế, đã có không ít những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra và nguyên nhân chính xuất phát từ những ly bia, chén rượu. Ẩn sau những cuộc vui là những mất mát, đau thương từ ngày này sang tháng nọ, năm này sang năm kia và có lẽ sẽ không bao giờ nguôi ngoai. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân? Và giải pháp nào hiệu quả nhất giúp ngăn chặn, kéo giảm TNGT do “ma men” gây ra?

Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT cho rằng, nguyên nhân chủ yếu gây nên các vụ tai nạn thương tâm là do hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia, chạy quá tốc độ.... Tình trạng này suốt thời gian qua vẫn luôn ở mức báo động và rất khó kiểm soát.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang xếp thứ 29. Các chuyên gia nhận định, cơ thể người bình thường uống 2-3 chén rượu thì khả năng phản xạ đã giảm 40-50%, tăng nguy cơ gây TNGT nếu cố tình điều khiển xe trên đường.

Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn, thế nhưng phần lớn người tham gia giao thông lại xem nhẹ các lỗi sai dẫn đến hậu quả khôn lường. Một khi đã tham gia giao thông, bất cứ ai cũng đều ý thức được rằng mình cần phải chấp hành Luật để bảo đam an toàn cho bản thân, người thân và người xung quanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhận thức về Luật Giao thông đường bộ của đa phần người tham gia giao thông còn rất sơ sài và chưa biết cách tham gia giao thông an toàn, thậm chí một bộ phận người dân không chú trọng đến Luật.

Đã uống rượu bia – Không lái xe

Công tác tuyên truyền về ATGT vẫn thường xuyên được các cơ quan chức năng, các địa phương triển khai. Mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Từ ngày 1/1/2020, người đã uống rượu, bia sẽ không được lái xe. Việt Nam có 96 triệu dân, liệu rằng bao nhiêu người đã nắm rõ Luật và bao nhiêu người sẽ chấp hành?

Thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, Luật đã ban hành nhưng để Luật có thể đi vào cuộc sống thì khi xây dựng Luật cần có nhận thức xã hội đúng đắn, phát huy được sự hưởng ứng tham gia tích cực từ mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là một đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, với mục đích định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền rộng khắp với tần suất liên tục để người dân hiểu rõ, đầy đủ và tự giác, nghiêm túc chấp hành. Cùng với đó, cần bổ sung hình thức, tăng tính răn đe của các chế tài xử phạt và phải kiên quyết xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm.

Cuộc đấu tranh chống vấn nạn sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khi tham gia giao thông cần có sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị. Đây là cả một quá trình lâu dài với nhiều khó khăn, thách thức và đặc biệt cần sự quyết tâm bền bỉ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân cả nước.

Nhằm đảm bảo trật tự ATGT cho nhân dân vui Xuân đón Tết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT, nhất là quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, phổ biến kỹ năng tham gia giao thông an toàn để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Trong đó, chú trọng lan tỏa thông điệp “Đã uống rượu bia - Không lái xe”.

Thủ tướng cũng đã chỉ đạo sát sao về việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt chú ý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, ùn tắc giao thông như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện xe cơ giới;... Tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, chú trọng đối với xe ô tô chở khách, xe chở container; ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép…

Mọi người khi tham gia giao thông hãy chấp hành Luật Giao thông, tất cả vì một mùa Xuân Canh Tý an toàn trên mọi cung đường!.

Xuân Phương/VTOTO